Hình ảnh "3 đầu 6 tay" của loài dê trong các nền văn hóa

Nuôi lớn thần Zeus, biểu tượng của quỷ Satan… là những hình ảnh vô cùng đặc sắc của loài dê trong các nền văn hóa xưa.

Dê là loài vật không hề xa lạ đối với con người. Nhiều nhà lịch sử cho rằng, dê là loài vật nhân loại thuần hóa đầu tiên từ khoảng 7.000 năm TCN.

Tuy nhiên, phần lớn chúng ta đều chỉ coi chúng là một loài gia súc, tương tự như bò hay lợn, cung cấp thịt và các sản phẩm khác để làm thức ăn. Thực ra, dê xuất hiện trong rất nhiều nền văn hóa với nhiều nét đặc sắc.

Dưới đây là hình ảnh loài dê trong các nền văn hóa khác nhau:

1. Dê trong văn hóa Hy Lạp

Trong thần thoại Hy Lạp, hình ảnh dê gắn liền với tuổi thơ của Chúa tể đỉnh Olympus: thần Zeus.

Khi Zeus chưa ra đời, cha ông là Cronus là thần cai quản thế giới sau khi lật đổ ông nội Zeus - Uranus để giành quyền tối thượng trên đỉnh Olympus. Lo sợ con mình sẽ lớn lên và theo gương cha, Cronus đã quyết định nuốt tất cả con trai lẫn con gái vào bụng để tránh hiểm họa bị mất ngôi.

Hình ảnh 3 đầu 6 tay của loài dê trong các nền văn hóa
Cronus (cầm lưỡi hái) cắt "của quý" của cha mình để giành quyền lực tối thượng của các vị thần.

Thương con, mẹ Zeus - nữ thần Rhea đã nghe theo lời khuyên của thần Gaia trốn tới đảo Crete sinh hạ Zeus, sau đó đưa cho Cronus một hòn đá được cuốn trong chiếc tã. Zeus vì vậy mà thoát khỏi cái chết chờ sẵn.

Tại đảo Crete, Zeus lớn lên dưới sự chăm sóc của Amalthea - tiên nữ của loài dê (có thuyết cho rằng đó là một con dê). Hàng ngày, thần uống sữa dê và để tránh Cronus phát hiện, Amalthea đã treo Zeus lủng lẳng ở trên cây. Zeus dần trưởng thành và quyết định rời Crete, trở về đỉnh Olympus.


Cậu bé Zeus bú sữa dê hàng ngày và trưởng thành

Sau khi cứu các anh chị em của mình và lật đổ Cronus, Zeus đã tri ân Dê thần Amalthea và các nữ thần biển đã chăm sóc mình bằng cách đặt tên họ cho một chòm sao, đó chính là chòm Capricorn (Ma Kết).

2. Dê trong văn hóa của người Do Thái

Hình ảnh về chú dê đã trở nên hết sức quen thuộc với người Do Thái trong hàng ngàn năm nay. Với họ, dê gắn liền với các nghi thức hiến tế trong Kinh Thánh.

Một lễ hiến tế thường sử dụng hai chú dê. Thứ nhất là dê tạ tội, vốn sẽ bị đem hiến tế làm lễ cho tất cả dân chúng trước Chúa. Sau khi lấy máu dê vẩy lên một chiếc nắp xá tội, vị tư tế thực hiện nghi thức sẽ sai người đem chú dê này ra hỏa thiêu thật xa.

Tiếp đến, vị tư tế sẽ đặt hai tay lên đầu chú dê thứ hai rồi thú nhận tất cả những tội lỗi mà con người mắc phải, sau đó nhờ người đuổi chú dê này vào sa mạc. Người thực hiện nghi lễ "đuổi dê" sau đó sẽ phải làm nghi thức thanh tẩy trước khi trở lại cộng đồng để tránh bị lây những uế tạp từ chú dê đó.

Có thuyết cho rằng, vì những tục lệ nói trên khiến dê trở thành biểu tượng của vật mạng tội lỗi loài người. Hệ quả là hình tượng đầu dê đặt trong ngôi sao năm cánh lộn ngược chính là biểu tượng cho quỷ Satan.

3. Dê trong văn hóa Trung Quốc

Lịch sử Trung Quốc có rất nhiều điển tích gắn liền với con dê, như điển tích "Dương xa" thời Tấn Vũ Đế (236 - 290). Theo đó, Tấn Vũ Đế mỗi đêm thường đi xe dê kéo trong hậu cung, chiếc xe dừng tại nơi ở của cung phi nào thì nhà vua sẽ nghỉ lại đó.

Vì thế, các cung phi thường đặt lá dâu non - loại thức ăn yêu thích của dê trước cửa phòng để chú dê kéo xe sẽ dừng lại ở đó.

Một điển tích khác là về một vị sứ giả bị bắt chăn dê gần 20 năm ở nơi phương Bắc lạnh lẽo. Ông là Tô Vũ (140 – 87 TCN), bề tôi trung thành của vua Hán Vũ Đế (156 – 87 TCN). Do làm phật ý vua Hung Nô khi đi sứ, Tô Vũ bị đày lên phương Bắc chăn dê.

Oái ăm thay, vua Hung Nô ra lệnh Tô Vũ chỉ được tự do nếu đàn dê đẻ con. Tất nhiên, điều này không thể xảy ra bởi dê của Tô Vũ là giống đực. Mãi 19 năm sau, khi hai nước hòa hoãn, Tô Vũ mới được về nước sau khi đã chịu biết bao cực khổ nơi phương Bắc.

4. Dê trong văn hóa Việt Nam

Hình ảnh dê đã trở nên quá đỗi quen thuộc với người dân Việt Nam, từ giá trị vật chất cho tới tinh thần. Dê là một trong số 6 loài vật nuôi thông dụng nhất nước ta, cùng với bò, lợn, gà, ngựa và trâu, đồng thời cũng là một trong ba thứ lễ vật đặc biệt để dâng thánh cùng gà và lợn.

Trong 12 con giáp, thì tuổi Mùi là tuổi được coi là có mưu trí, nhiệt tình, tài năng và sẽ gặp nhiều may mắn và thành công.

Chương đầu tiên của sách Lĩnh Nam Chính Quái cũng nói rằng từ thời vua Kinh Dương Vương, người Việt đã biết dùng bò và dê để tế lễ. Theo Đại Nam thực lục Chính Biên, dưới thời vua Minh Mạng, vào năm Minh Mạng thứ 17 (1836), nhà vua đã sai mang về 220 dê đực và 100 dê cái, trong đó chọn ra 20 dê đực để làm lễ vật tế lễ Nam Giao, đặt thịt dê ướp dương hải lên đàn Thượng.


Lễ tế Nam Giao dưới thời Nguyễn

Và sẽ là thiếu sót nếu như ta bỏ quên hình ảnh chú dê xuất hiện trong những tác phẩm hội họa như bức "Hai con dê qua cầu" hay "Bịt mắt bắt dê" của làng tranh Đông Hồ...


Tranh bịt mắt bắt dê của làng tranh Đông Hồ

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất