Hình ảnh "độc" về vụ nổ sao khủng trong vũ trụ
Bằng kỹ thuật "tua nhanh" thời gian, các nhà khoa học đã tạo nên đoạn video tráng lệ hiếm có về một vụ nổ sao cách đây 20.000 năm ánh sáng.
Đoạn video ngắn ngủi đã cô đọng 4 năm diễn biến của một vụ nổ khổng lồ, bắt nguồn từ ngôi sao đỏ V838 Monocerotis thuộc chòm sao Monoceros.
Trước khi phát nổ, V838 đã phát triển thành một trong những ngôi sao lớn nhất mà các nhà thiên văn học từng quan sát được, sản sinh ra lượng ánh sáng nhiều gấp 600.000 lần mặt trời của chúng ta. Khi nổ tung, V838 gây ra hiệu ứng dội sáng, làm sáng rõ đám bụi vũ trụ bao quanh nó, tạo nên một vài trong số những hình ảnh ngoạn mục nhất từng lọt vào tầm quan sát của kính thiên văn Hubble.
Đoạn video "tua nhanh" nói trên đã sử dụng loạt ảnh do Hubble ghi được từ năm 2002 - 2006, khi V838 Monocerotis sản sinh màn lóe sáng rực rỡ tới mức, các nhà khoa học tuyên bố chưa bao giờ được chứng kiến thứ gì như vậy trước đó.
Màn lóe sáng như thế này chưa từng có tiền lệ, vì các sao băng và sao mới hình thành thường phát thải vật chất ra ngoài không gian, che khuất chúng khỏi tầm quan sát của chúng ta. Mặc dù đoạn video mô phỏng dường như cho thấy V838 đang phát thải vật chất vào không gian, nhưng thực ra đó là hiệu ứng dội sáng dịch chuyển ra bên ngoài của màn lóe sáng rực rỡ, gấp khoảng 1 triệu lần độ sáng của mặt trời.
Theo Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), các nhà khoa học hiện vẫn không biết rõ nguyên nhân gây ra vụ nổ. Ban đầu, họ từng phỏng đoán, đây là những gì quan sát được đối với một sao băng hoặc xung nhiệt của một ngôi sao đang hấp hối. Tuy nhiên, những giả thuyết này đều bị bác bỏ sau khi họ phát hiện, V838 nhiều khả năng là một ngôi sao trẻ.
Báo cáo nghiên cứu với sự tham gia của Đài quan sát Hải quân Mỹ, Đại học Arizona (Mỹ) và Cơ quan vũ trụ châu Âu (ESA), kết luận: "Khi kết hợp độ sáng cao và hành vi phát nổ bất thường, các đặc điểm này cho thấy, V838 Mon đại diện cho một dạng bùng nổ tinh tú chưa từng được biết đến cho đến nay và chúng ta vẫn chưa có lời giải thích hoàn toàn thỏa mãn về mặt khoa học".