Hình ảnh mô phỏng sinh vật sống trên hành tinh gần sao lùn đỏ

Các nhà khoa học sử dụng kết quả nghiên cứu điều kiện sống khắc nghiệt trên những hành tinh xa xôi để phác họa hình dáng thực sự của sinh vật ngoài hành tinh.

Dựa trên nghiên cứu về điều kiện môi trường trên các hành tinh quay xung quanh hệ sao lùn đỏ, tiến sĩ Brian Choo ở Trường Sinh vật học thuộc Đại học Flinders, Australia, kết hợp với họa sĩ Steve Grice tạo ra loạt ảnh 3D mô tả hình dáng thực sự của thực vật và động vật sinh sống trên các hành tinh này, Mirror hôm qua đưa tin.


Sinh vật ngoài hành tinh phải có hình dáng khác lạ để chống chịu điều kiện môi trường khắc ngiệt. (Ảnh: Steve Grice/Sketchfab).

Với lớp vỏ cứng như giáp sắt, làn da trong suốt và móng vuốt, những hình ảnh minh họa do nhóm của tiến sĩ Choo công bố trên tạp chí Sketchfab khác xa với hình ảnh người ngoài hành tinh màu xanh lá cây, đầu to và mắt lồi mà con người thường hình dung.

Trong khi con người phát triển ở hệ Mặt trời, những hệ sao lùn đỏ nhỏ hơn có thể hé lộ sự sống diễn ra như thế nào ở ngoài Trái đất. Tuần trước, các nhà thiên văn phát hiện 7 hành tinh kích thước tương tự Trái Đất xoay quanh ngôi sao lùn Trappist-1 thuộc chòm sao Aquarius. Họ cho rằng nhiều hành tinh trong hệ này có thể tồn tại sự sống, tuy nhiên các dạng sống tại đó sẽ phát triển theo cách hoàn toàn khác với chúng ta.


Động vật sống trên hệ sao lùn đỏ có lớp vỏ bọc giáp để bảo vệ cơ thể. (Ảnh: Steve Grice/Sketchfab).

Tiến sĩ Choo, chuyên nghiên cứu tác động của yếu tố môi trường lên các loài, cho rằng sinh vật ngoài hành tinh cần có lớp vỏ bọc giáp và da dày để bảo vệ cơ thể trước mặt trời và gió gay gắt. Đa số thực vật ngoài hành tinh cần mọc gần mặt đất, giữa những tảng đá và khe nứt.

Do sao lùn đỏ phát ra ít bức xạ và ánh sáng hơn nhiều so với Mặt Trời, một số dạng sống có thể cần phát triển lớp da trong suốt để thu được lượng ánh sáng tối đa.


Phần lớn thực vật ngoài hành tinh mọc sát mặt đất. (Ảnh: Steve Grice/Sketchfab).

"Sinh vật kỳ lạ này ăn các loài thực vật mọc thấp như địa y và đào hang để ở. Thân hình bò sát mặt đất và lớp vỏ bọc giáp cho phép chúng chống chịu những trận gió bão càn quét bề mặt. Chiếc đuôi như mái chèo và dấu vết vây lưu lại từ giai đoạn ấu trùng dưới nước ở các hồ lạnh bên mép sông băng đang tan chảy", tiến sĩ Choo mô tả.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất