Hình ảnh vệ tinh mới nhất cho thấy một thực trạng đáng buồn đang xảy ra trên núi Phú Sĩ

Theo hình ảnh mới nhất của vệ tinh, ngọn núi Phú Sĩ với biểu tượng phủ đầy tuyết trắng từ mùa thu đến mùa xuân hàng năm đã đột nhiên biến mất trong năm nay.

Đây có thể coi là lần tuyết rơi thấp nhất từ trước đến nay. Những trận tuyết đầu tiên xuất hiện và bao phủ trắng đỉnh núi vào ngày 28/9/2020. Tuy nhiên chúng đã nhanh chóng tan đi và khiến ngọn núi trơ trụi. Sau đó, tuyết lại rơi vào cuối tháng 12 vừa qua.

Nhưng theo Trạm quan sát Trái đất của NASA cho biết, dù thời tiết tháng 1/2021 có lạnh hơn cũng sẽ khó đảm bảo lớp tuyết phủ sẽ kéo dài. Tuyết hầu như biến mất trong vòng vài ngày do nhiệt độ trên mức đóng băng và tác động của gió. Những hình ảnh gây sốc từ vệ tinh Landsat-8 cho thấy, khí hậu đang thay đổi theo hướng thất thường chưa từng thấy.

Hiện tượng La Niña hình thành ở phía đông Thái Bình Dương vào nửa cuối năm 2020. Hình thái khí hậu này đặc trưng là các vùng nước lạnh hơn bình thường ở khu vực đó và ảnh hưởng tới cả bầu khí quyển. Nhật Bản thường lạnh hơn bình thường trong những năm có hiện tượng La Niña xuất hiện. Đây cũng là yếu tố quan trọng để tuyết rơi và bao phủ các ngọn núi cao.

Tuy nhiên điều bất ngờ là tuyết rơi dày đặc ở bờ phía tây của Nhật Bản trong khi núi Phú Sĩ nằm ở phía đông Nhật Bản hoàn toàn không ghi nhận tình trạng tuyết rơi. Một phân tích từ dữ liệu vệ tinh Terra của NASA cho thấy lượng tuyết phủ trên núi Phú Sĩ vào tháng 12 là thấp nhất trong vòng 20 năm qua.


Hình ảnh núi Phú Sĩ chụp ngày 29/12/2013


Hình ảnh núi Phú Sĩ chụp vào tháng 1/2021

Nhưng La Niña không phải là yếu tố duy nhất có thể ảnh hưởng đến khí hậu của Nhật Bản. Trên thực tế, hình thái khí hậu ở Nhật Bản luôn có những thay đổi bất ngờ và khó đoán trước. Vào năm 2019, người ta gần như không thấy tuyết trên đỉnh Phú Sĩ cho tới ngày 23/10, tức là tuyết đã rơi muộn hơn bình thường tới khoảng 1 tháng.

Trong một nghiên cứu gần đây, các nhà khoa học Nhật Bản phát hiện thấy, thảm thực vật đã leo lên sườn núi khoảng 30,5 mét trong suốt 4 thập kỷ qua. Điều này cũng đồng nghĩa với tình trạng gia tăng nhiệt độ thêm 2 độ C vào mùa hè trên đỉnh Phú Sĩ. Vì vậy tương lai của núi Phú Sĩ có vẻ không mấy lạc quan nếu như khí hậu tiếp tục biến đổi một cách bất thường như hiện nay.

Cơ quan Khí tượng Nhật Bản dự báo, mặc dù nhiệt độ thấp hơn bình thường có thể xảy ra trên hầu hết nước Nhật trong suốt tháng 3 nhưng tình trạng tuyết rơi ít mà chúng ta thấy hiện nay vẫn sẽ tiếp tục duy trì.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất