Hít thở bụi bặm dễ làm người ta "phát điên"

Phơi nhiễm với các chất bụi bẩn trong không khí từ bé có liên quan tới việc tăng gấp đôi nguy cơ tâm thần phân liệt ở những bệnh nhân cũng như tăng rối loạn nhân cách, trầm cảm và lưỡng cực.

Ô nhiễm không khí không chỉ gây ra các bệnh về phổi và giảm tuổi thọ của con người mà còn làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh về tâm thần, cảnh báo của các nhà khoa học trong công trình nghiên cứu mới.

Để đưa ra kết luận trên, các nhà nghiên cứu đã tiến hành so sánh dữ liệu sức khỏe và mức độ phơi nhiễm với các chất ô nhiễm trong không khí của 151 triệu người dân Mỹ và 1,4 triệu người dân ở Đan Mạch.


Khói bụi ô nhiễm ở New Delhi, Ấn Độ - (Ảnh: AFP)

Cụ thể, đối với các bệnh nhân Đan Mạch nói riêng, các nhà nghiên cứu so sánh dữ liệu về sức khỏe tâm thần và mức độ phơi nhiễm với ô nhiễm không khí trong 10 năm đầu đời. Trong khi đó, ở Mỹ, dữ liệu này được so sánh với mức độ phơi nhiễm trong thời gian thực.

Theo các nhà nghiên cứu, tình trạng phơi nhiễm với các chất bụi bẩn trong không khí từ thuở bé có liên quan tới việc gia tăng hơn gấp hai lần nguy cơ mắc chứng tâm thần phân liệt ở những bệnh nhân Đan Mạch, cũng như gia tăng nguy cơ mắc chứng rối loạn nhân cách, trầm cảm và lưỡng cực.

Dữ liệu ở Mỹ còn cho thấy mối liên hệ giữa ô nhiễm không khí và tình trạng bệnh trầm cảm và rối loạn lưỡng cực nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, nghiên cứu không phát hiện sự liên quan giữa chất lượng không khí và nguy cơ mắc các bệnh khác như tâm thần phân liệt, động kinh và Parkinson.

Chuyên gia Andrey Rzhetsky thuộc Đại học Chicago (Mỹ), trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết có nhiều nguyên nhân gây ra các bệnh về tâm thần, và ô nhiễm không khí là một yếu tố mới mà các nhà khoa học nghĩ đến.

Theo ông, kết quả nghiên cứu trên loài chó và động vật thuộc họ gặm nhấm cho thấy sau khi được hít vào cơ thể, các chất ô nhiễm trong không khí có thể xâm nhập vào não bộ, gây viêm và dẫn đến những triệu chứng gần giống với trầm cảm.

Ông nhận định hiện tượng tương tự hoàn toàn có thể xảy ra ở con người.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí PLOS Biology của Mỹ.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất