Hố đen thoát khỏi sự hủy diệt thiên hà
Giống như trường hợp nhìn hóa thạch đoán sinh vật tuyệt chủng, một hố đen có thể cung cấp thông tin về thiên hà của nó đã bị hủy diệt trước đó.
>>> Giả thuyết mới về quầng X-quang xung quanh hố đen
Kính thiên văn không gian Hubble mới đây đã tìm thấy một chùm sao trẻ, tỏa ra ánh sáng xanh dương, đang vây quanh một hố đen thuộc loại hiếm hoi trong vũ trụ.
Với kích thước trung bình, hố đen tên HLX-1 có thể từng nằm ở trung tâm một thiên hà lùn, xoay quanh một thiên hà lớn hơn. Các chuyên gia thuộc Viện thiên văn học Sydney (Úc) cho rằng thiên hà của nó đã bị xé tan tành bởi lực hấp dẫn của thiên hà láng giềng.
HLX-1 thuộc loại độc nhất vô nhị trong vũ trụ, cho đến khi con người tìm thấy đồng loại của nó
Cuộc chạm trán nảy lửa đã tước đi hầu hết ngôi sao của thiên hà lùn, nhưng quá trình trên cũng tạo lực ép lên đám khí xung quanh hố đen trung tâm, kích hoạt sự hình thành những thế hệ sao mới.
Đó chính là những ngôi sao lọt vào tầm ngắm của Hubble. Kết quả quan sát cho thấy đám sao này chưa đầy 200 triệu tuổi, có nghĩa là lần va chạm giữa thiên hà lớn và thiên hà lùn diễn ra vào lúc đó.
HLX-1 cũng là hố đen kích thước trung bình duy nhất mà các chuyên gia trái đất phát hiện được từ trước đến nay. Hố đen này có khối lượng cỡ 20.000 mặt trời, và đang nằm cách trái đất khoảng 290 triệu năm ánh sáng.
Để dễ so sánh, hố đen siêu khổng lồ nằm giữa Dải Ngân hà có khối lượng cỡ 4 triệu mặt trời, theo kết quả nghiên cứu đăng trên chuyên san Astrophysical Journal Letters.