Họ hàng gần của con người sống sót sau khi… ghép tim lợn

Một nhóm nghiên cứu Đức tuyên bố họ đã giữ cho "một trong những người họ hàng gần nhất của con người" sống được 195 ngày sau phẫu thuật ghép tim lợn.

Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí Nature cho biết các nhà khoa học sẽ nhanh chóng tiến tới thử nghiệm lâm sàng trên người, bởi mục đích chính của thí nghiệm ghép tim lợn này là để cấy ghép cho chính con người, nhằm giải quyết tình trạng thiếu nguồn tạng nghiêm trọng.


Một ngày không xa những chú lợn này sẽ cung cấp nội tạng để ghép tim cho con người - (ảnh minh họa từ internet).

Bác sĩ Bruno Reichart, chuyên gia phẫu thuật tim tại Đại học Ludwig Maximilian (Munich- Đức), tác giả chính của bài báo khoa học cho biết họ đã ghép tim của lợn cho 5 con khỉ đầu chó. 4 con trong số đó đã sống sót ít nhất 90 ngày và 1 con trong này thậm chí đã sống qua mốc nửa năm – 195 ngày.

Những trái tim này là tim lợn 100%, không hề lẫn một tế bào nào của con người hay khỉ như trong một số nghiên cứu trước đó, nhưng đã qua bước biến đổi di truyền để loại bỏ một số virus có nguy cơ truyền từ lợn sang và chống thải ghép.

Theo nhóm nghiên cứu, khỉ đầu chó là một người họ hàng rất gần, chia sẻ nhiều đặc điểm di truyền với loài người nên việc cơ thể các con khỉ tiếp nhận cấy ghép này mở ra hy vọng rất lớn cho con người.


Tim lợn (trái) và tim của khỉ đầu chó - (ảnh: NATURE).

Sở dĩ phải nghĩ đến việc cấy ghép nội tạng động vật khác là vì tình trạng thiếu tim và thiếu nội tạng để cấy ghép là nỗi ám ảnh lớn đối với y học nhiều quốc gia. Một thống kê của Mạng lưới chia sẻ nội tạng liên bang Mỹ cho biết mỗi ngày có tới 20 người chết do không đủ sức chờ được ghép tạng, chỉ riêng tại quốc gia này. Thống kê tại Anh thì cho thấy có khoảng 1.000 người chết mỗi năm trong khi chờ một cơ quan hiến tặng.

Bình luận về công trình của Đức, giáo sư – bác sĩ Christopher McGregor, chuyên gia phẫu thuật tim tại University College London (UCL, trường thành viên của Đại học London, Anh) nhận xét công trình này là một mốc quan trọng đối với việc cấy ghép ở người. "Ở châu Âu, nhu cầu về tim hiến tặng rất lớn và vượt quá nguồn cung ít nhất là 10 lần" – ông nói với tờ The Telegraph.

Nhiều nhà khoa học khác tại Anh cũng đề nghị nhà chức trách xem xét cộng tác và tài trợ cho công trình này và các hoạt động nghiên cứu tương tự.

Trở ngại lớn nhất của việc cấy ghép nội tạng động vật là nguy cơ vô tình lây truyền các tác nhân lây nhiễm chưa được công nhận từ động vật vào con người, từ đó lan truyền giữa người và người mà Tổ chức Y tế Thế giới từng cảnh báo. Vì vậy, các nhà khoa học sẽ phải đối diện không ít trở ngại trước khi ứng dụng rộng rãi ghép những quả tim lợn.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất