Hồ nước Hawaii chuyển màu hồng tía sau hạn hán

Hồ nước trên đảo Maui mặn gấp đôi nước biển do hạn hán, cung cấp môi trường lý tưởng cho loài cổ khuẩn ưa muối, biến nước hồ thành màu hồng cánh sen.


Hồ nước ở Khu bảo tồn động vật hoang dã quốc gia hồ Kealia có màu hồng đậm do ảnh hưởng của hạn hán. (Ảnh: CNN)

Một hồ nước ở Hawaii chuyển thành màu hồng đậm giống như khung cảnh ngoài hành tinh. Nước ở Khu bảo tồn động vật hoang dã quốc gia hồ Kealia, một trong vài đầm lầy ngập mặn ven biển trên đảo Maui, có màu hồng rực rỡ ít nhất từ hôm 30/10, sau khi nồng độ muối tăng vọt giữa hạn hán nghiêm trọng. Mẫu nước gửi tới Đại học Hawaii cho thấy cổ khuẩn ưa muối (halobacteria) chịu trách nhiệm phía sau màu sắc khác thường của hồ, theo Cục quan cá và động vật hoang dã Mỹ.

Cổ khuẩn ưa muối là tổ chức đơn bào phát triển mạnh trong nước rất mặn như hồ Great Salt và Biển Chết. Vi khuẩn này được xem như sinh vật có thể chịu điều kiện cực hạn do khả năng sống trong môi trường khắc nghiệt, ở đây là độ mặn cao gấp đôi so với nước biển.

Dù tên gọi Kealia có nghĩa là "cặn muối", độ mặn của hồ tăng lên vượt xa mức thông thường do hạn hán kéo dài ở Maui. Toàn bộ hòn đảo đang trải qua hạn hán nghiêm trọng, theo Cơ quan theo dõi hạn hán Mỹ (USDM). Vị trí của khu bảo tồn hồ Kealia nằm ở vùng hạn hán tồi tệ ở cấp số 2 theo thang phân loại của USDM.

Suối Waikapu đưa nước từ núi Tây Maui vào hồ Kealia cũng chảy qua khu vực hạn hán. Lượng nước ngọt đổ vào hồ ít hơn đẩy nồng độ muối tăng cao, cung cấp nơi sinh sôi cho cổ khuẩn ưa muối.

Khoảng 90% quận Maui, bao gồm các hòn đảo khác, gặp hạn hán kéo dài từ đợt cháy rừng dữ dội quét qua Lahaina hồi tháng 8. Các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu khủng hoảng khí hậu ảnh hưởng tới Hawaii như thế nào. Nhưng giới nghiên cứu dự đoán hạn hán sẽ nghiêm trọng hơn khi nhiệt độ toàn cầu tăng lên, ngay cả ở vùng nhiệt đới.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất