Hồ nước ngọt lớn nhất thế giới Baikal bị hủy hoại nghiêm trọng

Các nhà khoa học vừa cảnh báo hồ Baikal đang đối diện với cuộc khủng hoảng ô nhiễm trầm trọng nhất, giữa lúc Chính phủ Nga ra lệnh cấm đánh bắt cá Omul, một loài cá đặc biệt có nguy cơ hoàn toàn biến mất sau nhiều thế kỷ sinh sống tại hồ nước sâu nhất thế giới này.

Với sức chứa 1/5 lượng nước không đóng băng trên thế giới, hồ Baikal thuộc khu vực Siberia của Nga là một kỳ quan thiên nhiên có giá trị đặc biệt. Hệ sinh thái tại đây vô cùng đa dạng với hơn 3.600 loài thực vật và động vật sinh tồn, rất nhiều trong đó khó có thể được tìm thấy ở nơi khác trên thế giới.

Tuy nhiên, trong một vài năm qua, danh thắng này đang bị hủy hoại bởi hàng loạt hiện tượng bất lợi mà một số trong đó vẫn còn là bí ẩn đối với giới khoa học.

Đáng chú ý phải kể tới sự biến mất của Omul, loài cá đặc trưng chỉ có thể tìm thấy ở hồ Baikal; hiện tượng tảo chết gia tăng nhanh và việc hàng loạt loài bọt biển đặc trưng chết trên một diện tích rộng tới 3,2 triệu hécta.


Một góc hồ Baikal.

Kể từ đầu tháng 10 này, Chính phủ Nga đã ban hành lệnh cấm tất cả các hoạt động đánh bắt cá Omul do lo ngại những hệ quả không thể đảo ngược đối với quần thể loài cá này trong bối cảnh tổng khối lượng cá Omul tại hồ Baikal đã giảm hơn một nửa từ 25 triệu tấn cách đây 15 năm xuống chỉ còn khoảng 10 triệu tấn.

Thực trạng này là do hoạt động đánh bắt cá không kiểm soát và ảnh hưởng của vấn đề khí hậu khiến bề mặt nước hồ tăng nhiệt, tạo môi trường sống bất lợi cho loài cá Omul.

Một mối đe dọa lớn khác đối với hệ sinh thái hồ Baikal là hiện tượng tảo nở hoa gia tăng nhanh bất thường và các lớp tảo chết dày đặc trôi dạt vào các bãi biển.

Trong khi đó, nhà sinh vật học thuộc Viện Khoa học Nga Oleg Timoshkin cảnh báo nếu tình trạng ô nhiễm nguồn nước tại đây không được cải thiện, các khu vực nước nông gần bờ sẽ biến đổi nghiêm trọng.

Bởi vậy, ông kêu gọi Chính phủ Nga cấm các du khách và người dân xả rác cũng như các chất có chứa nguyên tố phốtphát tại hồ, đồng thời xây dựng các nhà máy xử lý rác thải tốt nhất ở Nga.

Hồi tháng Tám vừa qua, Tổng thống Vladimir Putin cảnh báo nước hồ Baikal đang ô nhiễm ở mức cao do nước thải từ các hộ gia đình cũng như hóa chất từ các trang trại quanh hồ.

Nhà lãnh đạo Nga khẳng định hồ Baikal được ví là tài sản của toàn thế giới và việc bảo tồn hồ này cho các thế hệ mai sau là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Nga, do đó ông chỉ thị cho giới chức địa phương đặc biệt quan tâm đến việc giải quyết hậu quả ô nhiễm do các hoạt động kinh tế bất hợp lý và vô trách nhiệm ở xung quanh hồ gây ra, cũng như cần giảm mạnh lượng nước thải chưa qua xử lý đổ vào hồ, tiến hành kiểm tra các hoạt động gây ô nhiễm ở quanh hồ để áp dụng các biện pháp cần thiết.

Hồ Baikal là hồ nước ngọt lớn nhất và sâu nhất thế giới (rộng 31.722km2, sâu trung bình 744,4m). Hồ này trước đây vốn là một chỗ lõm sâu 7.000m và bị một lớp trầm tích lấp trong 25-30 triệu năm, bởi vậy là một trong các hồ cổ xưa nhất trong lịch sử địa chất.

Hồ Baikal đã được Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO) bình chọn là di sản thế giới. Hồ Baikan thu hút nhiều khách du lịch tới thăm quan để ngắm các loài động vật hoang dã quý hiếm cũng như hòa mình vào thiên nhiên tuyệt đẹp nơi đây.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất