Hồ nước ở Mỹ chuyển màu tuyệt đẹp, nhưng đó lại là tin cực kỳ không tốt

Dù cái hồ có màu sắc cực kỳ thu hút, nhưng các chuyên gia chỉ có thể lắc đầu khi hiện tượng này xảy ra. Tại sao vậy?

Người dân xung quanh hồ Erie (một hồ rất lớn thuộc Ngũ Đại Hồ của Bắc Mỹ) đã có những ngày phải giật mình, khi nước hồ bỗng chuyển thành màu xanh lá huyền ảo, tuyệt đẹp.

Bức hình dưới đây do hệ thống OLI (Operational Land Imager - hệ thống vận hành hình ảnh mặt đất) thuộc vệ tinh Landsat 8 cung cấp. Nó cho thấy cái hồ có thể chuyển biến màu sắc kỳ lạ đến thế nào.


Nước hồ Erie bỗng chuyển thành màu xanh lá huyền ảo, tuyệt đẹp.

Nhưng dù đẹp, đây lại là tin rất không tốt, khi nước hồ lúc này giống như một bể độc chất khổng lồ. Lý do đến từ tác nhân gây nên sự đổi màu ấy chính là sự phát triển bùng nổ của "tảo độc".

Được biết, vụ tảo độc bùng nổ đầu tiên trong năm nay bắt đầu từ tháng 7 tại vịnh Maumee, nhưng sau đó lan rộng về hướng đông và hướng bắc, dọc theo bờ biển Michigan, Ohio và Ontario.


Tác nhân gây nên sự đổi màu ấy chính là sự phát triển bùng nổ của "tảo độc".

Giới chuyên gia cho biết, nguyên nhân đứng đằng sau vụ việc có thể là do nước hồ đã hấp thụ quá nhiều phốt-pho đến từ các hoạt động nông nghiệp và công nghiệp. Lượng phốt-pho này đã kích thích khả năng hấp thụ dinh dưỡng của tảo đến mức "điên rồ", khiến chúng phát triển bùng nổ. Quá trình này được gọi là "phú dưỡng" (eutrophication).

Nguy hiểm hơn, chiếm đa số các loại tảo bùng nổ có Microcystis - một loại khuẩn lam. Nhìn có thể đẹp, nhưng chúng sản sinh ra độc chất, khiến nước hồ bị ô nhiễm nặng, đồng thời gây nguy hiểm cho con người và các loài động vật xung quanh. Nếu tiếp xúc với nước hồ vào thời gian này có thể gây dị ứng da, thậm chí là suy hô hấp trầm trọng.


Mặt hồ ma mị, nhưng đầy nguy hiểm.

Đó là chưa tính đến tác hại đối với môi trường. Tảo phát triển bùng nổ sẽ hút hết oxy trong hồ, khiến cá chết hàng loạt, lại gây mùi hôi thối kinh khủng làm ảnh hưởng đến đời sống cư dân xung quanh.

Được biết, lần gần nhất hồ Erie xảy ra hiện tượng này là từ những năm 1960. Khi đó, cái hồ khổng lồ này gần như "kiệt quệ" vì nước hồ bị ô nhiễm trầm trọng. Dù đã rất cố gắng khắc phục, nhưng đến nay mức ô nhiễm trong hồ vẫn còn khá lớn, đặc biệt là nồng độ phốt-pho rất cao, khiến thảm cảnh ngày nay xảy ra.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất