Hổ phách chứa hóa thạch gián lâu đời nhất
Các nhà cổ sinh vật học phát hiện hai loài gián cổ đại hoàn toàn mới được bảo quản gần như nguyên vẹn bên trong hổ phách.
Các mẫu vật, được đặt tên là Crenocticola svadba và Mulleriblattina bowangi, được tìm thấy trong một hang động ở thung lũng Hukawng, phía bắc Myanmar. Cả hai đều có niên đại từ kỷ Phấn trắng cách đây khoảng 99 triệu năm, cùng thời với khủng long. Chúng có một số đặc điểm chung với gián hang động hiện đại như đôi mắt và cánh nhỏ, cơ thể nhợt nhạt, các chi và râu dài.
Hóa thạch gián hang động 99 triệu năm tuổi ở Myanmar. (Ảnh: Live Science).
"Môi trường hang động rất thích hợp cho việc hình thành hóa thạch", nhóm nghiên cứu cho biết. "Tuy nhiên, hồ sơ hóa thạch chủ yếu bao gồm động vật có vú như gặm nhấm, thú móng guốc, thú có túi, động vật họ Mèo, Chó, Linh cẩu, bộ Linh trưởng và con người".
Hầu hết hóa thạch gián hang động đều được tìm thấy trong Đại Tân sinh (bắt đầu từ 66 triệu năm trước đến nay). Dựa trên các phân tích di truyền, các nhà khoa học từ lâu đã nghi ngờ về sự tồn tại của chúng trong kỷ Phấn Trắng nhưng chưa có bằng chứng chắc chắn. Mẫu vật ở thung lũng Hukawng là hóa thạch gián hang động lâu đời nhất từng được biết đến.
Nhóm nghiên cứu không rõ bằng cách nào mà các mẫu vật bị hóa thạch bên trong hổ phách. Một giả thuyết cho rằng nhựa từ rễ cây có thể đã nhỏ giọt vào hang của gián và sau đó cứng lại, bao bọc xung quanh côn trùng.
Nghiên cứu, do các nhà khoa học quốc tế từ Slovakia, Trung Quốc, Nga và Thái Lan thực hiện, đã được công bố trên tạp chí trực tuyến Gondwana Research vào tháng 2.
- Tìm thấy hoá thạch loài gián 370 triệu năm trước
- Phát hiện thức ăn "khoái khẩu" của gián thời tiền sử