Hóa giải nỗi kinh hoàng về đêm
Khoa học đã có cái nhìn hết sức nghiêm túc về hiện tượng bóng đè, với hy vọng có thể hỗ trợ quá trình điều trị tâm lý cho người bệnh.
Cứ thử tưởng tượng, bạn tỉnh dậy và phát hiện mình không thể nào cử động nổi tay chân, hay chẳng điều khiển được bất cứ bó cơ nào trên cơ thể. Nằm trong căn phòng tối om, bạn cứ cảm giác có sự hiện diện của một thế lực vô hình nào đấy. Chúng lượn lờ gần giường bạn, hoặc có lẽ ngồi lên người bạn, hút cạn mọi hơi thở khỏi lồng ngực. Hiện tượng kỳ lạ này có tên dân gian là bóng đè. Nghiên cứu mới cho biết, nếu hiểu được hiện tượng này có thể giúp con người giải tỏa bớt tâm lý sợ sệt sau khi lâm vào tình trạng như vậy.
Giới chuyên gia bác bỏ khả năng bóng đè là hiện tượng siêu nhiên - (Ảnh: health.detik.com)
Đầu óc tỉnh táo trước khi cơ thể “thức dậy” khỏi trạng thái tê liệt có thể là một trải nghiệm kinh hoàng, nhất là khi bạn còn bị “cấm khẩu”. Thông thường, những thời khắc kinh khủng này đến cùng với ảo giác và cảm giác nghẹt thở, dẫn đến vô số giai thoại về nam nữ ác thần tìm cách hút dương khí của người còn sống. Có người còn cảm thấy mình sắp chết đến nơi, hoặc tình trạng đông cứng còn đi kèm cảm giác bị rơi từ trên cao xuống, hoặc trôi nổi trên không theo kiểu hồn lìa khỏi xác. Những cú sốc tinh thần này còn tệ hơn cả chuyện toàn thân bất động, theo cáo cáo đăng trên chuyên san Clinical Psychological Science.
Các nhà nghiên cứu James Cheyne và Gordon Pennycook của Đại học Waterloo (Canada) đã khảo sát 293 người, hầu hết là nữ giới. Chẳng biết có phải là do quan niệm nữ yếu vía hơn nam hay sao mà các cô thường là đối tượng bị bóng đè nhiều nhất. Kết quả khảo sát cho thấy bóng đè xảy ra với tần suất từ 5 đến 60%, phụ thuộc vào phương pháp nghiên cứu. Một số người bị bóng đè thường xuyên hơn, trong khi những người khác chỉ bị chừng 1 hoặc 2 lần trong cả cuộc đời.
Theo đó, giới chuyên gia bác bỏ khả năng bóng đè là hiện tượng siêu nhiên. Nó diễn ra khi não và cơ thể không đồng điệu trong lúc ngủ. Trong suốt quá trình ngủ được gọi là chuyển động mắt nhanh (REM), con người hay mơ, nhưng các cơ trên toàn thân được thả lỏng đến mức tê liệt, có lẽ nhằm giữ con người không thực hiện những động tác trong giấc mơ. Các nhà nghiên cứu đã xác định 2 loại hóa chất của não, gọi là glycine và GABA, chịu trách nhiệm cho tình trạng liệt cơ này. Tin tốt lành là bóng đè hoàn toàn chẳng gây hại gì cho người bị, chỉ khiến họ hoảng hốt mà thôi.
Kết quả nghiên cứu cho thấy tầm quan trọng của sự thấu hiểu và cảm thông ở các bác sĩ điều trị tâm lý, khi đối mặt với những con bệnh khổ sở vì cảm giác bị bóng đè. Không phải người nào cũng chấp nhận diễn giải theo logic về tình trạng đông cứng người trong lúc ngủ, và do đó các bác sĩ nên có hướng tiếp cận hợp lý theo tinh thần đồng cảm với họ để từ từ cởi bỏ nỗi ám ảnh của hiện tượng khó chịu này.