Hóa thạch 250 triệu năm tuổi của tổ tiên cá sấu

Các nhà khoa học phát hiện hóa thạch 250 triệu năm của một loài thằn lằn ăn thịt cổ đại có hình dáng giống cá sấu, sống sót sau sự kiện đại tuyệt chủng xóa sổ 90% sinh vật trên Trái Đất.

Science Daily hôm 11/3 đưa tin, một nhóm các nhà khoa học Brazil và Anh phát hiện hóa thạch của loài bò sát mới Teyujagua paradoxa có niên đại cách đây 250 triệu năm tại bang Rio Grande do Sul phía nam Brazil. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Scientific Reports, giúp làm sáng tỏ quá trình loài này tiến hóa thành khủng long, thằn lằn bay, cá sấu và chim.

Tên gọi Teyujagua xuất phát từ ngôn ngữ của người dân tộc Guarani, nghĩa là "thằn lằn hung dữ", gợi liên tưởng đến quái vật thằn lằn đầu chó Teyú Yaguá trong truyền thuyết. Teyujagua có nhiều đặc điểm trung gian giữa loài bò sát cổ xưa và nhóm động vật quan trọng "archosauriformes". Archosauriformes gồm tất cả những con khủng long và thằn lằn bay đã tuyệt chủng, cùng với chim và cá sấu ngày nay.


Ảnh minh họa về loài thằn lằn cổ xưa sinh sống cách đây 250 triệu năm. (Ảnh: Abigail Beall).

Việc phát hiện loài bò sát Teyujagua rất quan trọng vì chúng sống ngay sau sự kiện tuyệt chủng ở kỷ Permi - Trias cách đây 252 triệu năm. Lần đại tuyệt chủng này xóa sổ 90% các loài sinh sống tại thời điểm đó. Nguyên nhân là do những đợt phun trào núi lửa khổng lồ và dữ dội ở phía đông nước Nga ngày nay.

Loài Teyujagua cung cấp những hiểu biết mới về hệ sinh thái hồi phục và phát triển sau sự kiện tuyệt chủng. Các hệ sinh thái trên cạn khi đó có ít sinh vật, tạo cơ hội cho một số loài phát triển về số lượng và tính đa dạng. Archosauriforms và một số họ hàng gần như Teyujagua trở thành động vật chiếm ưu thế trong hệ sinh thái, cuối cùng tiến hóa thành khủng long.

Teyujagua là động vật ăn thịt có 4 chân, dài 1,5 mét. Hàm răng của chúng giống như lưỡi cưa và khá khỏe. Hai lỗ mũi nằm ở phần trên mõm, đặc điểm thường thấy ở động vật sống dưới nước hoặc lưỡng cư như cá sấu ngày nay. Tujague có thể sống trên bờ hồ hoặc sông. Chúng săn bắt động vật lưỡng cư và procolophonid, loài bò sát đã tuyệt chủng thân nhỏ như thằn lằn.

"Teyujagua là khám phá rất quan trọng, vì nó giúp chúng ta hiểu nguồn gốc của nhóm động vật có xương sống archosauriforms. Teyujagua lấp đầy khoảng trống về mặt tiến hóa giữa archosauriformes và loài bò sát nguyên thủy", Richard Butler, tiến sĩ tại Đại học Birmingham, Anh, cho biết.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất