Hóa thạch 380 triệu năm của cá đi bộ trên cạn

Các nhà nghiên cứu phát hiện hóa thạch của một loài cá có nhiều ngón ở vây sống trên Trái Đất cuối kỷ Devon.

Phát hiện của nhóm nghiên cứu ở Australia và Canada là một trong những hóa thạch hoàn chỉnh nhất của lớp cá vây thùy. Con cá dài 1,5 mét được tìm thấy ở Miguasha, Quebec năm 1938. Nó thuộc loài Elpistostege watsoni, động vật săn mồi lớn nhất thống trị môi trường nước nông và vùng cửa sông ở Quebec 380 triệu năm trước. Những chiếc răng nanh nhọn giúp chúng ăn thịt các loài cá lớn sống cùng khu vực.


Các nhà nghiên cứu cho rằng cấu tạo nhiều ngón ở vây hỗ trợ E. watsoni đi bộ quãng ngắn. (Ảnh: CNN).

Ảnh chụp cắt lớp bộ xương bằng máy vi tính hé lộ E. watsoni có ít nhất hai ngón giống ngón tay và có thể còn sở hữu thêm ba ngón nữa. Nhóm nghiên cứu cũng nhận thấy phần cánh tay, khuỷu tay, cẳng tay và cổ tay gắn liền với các ngón. Tất cả được bao phủ bởi tia vây, phần phụ có màng giống mái chèo. Các nhà nghiên cứu chia sẻ chi tiết phát hiện trên tạp chí Nature hôm 18/3.

"Chúng tôi báo cáo phát hiện mẫu vật hoàn chỉnh của một loài cá vây thùy, giúp cung cấp thông tin mới về quá trình tiến hóa bàn tay của động vật có xương sống", John Long, giáo sư cổ sinh vật học ở Đại học Flinders, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết. "Các ngón có đốt ở vây cá giống như xương ngón tay thường thấy ở phần lớn động vật".

Theo các nhà nghiên cứu, phần phụ này giúp E. watsoni sinh tồn trong môi trường nước nông ở cuối kỷ Devon. "Nguồn gốc các ngón liên quan tới việc phát triển khả năng chống đỡ trọng lượng cơ thể dưới nước nông hoặc cho những chuyến đi bộ ngắn trên cạn", Richard Cloutier, giáo sư ở Đại học Quebec tại Rimouski, giải thích. "Số xương nhỏ ở vây tăng lên tạo sự linh hoạt trong việc phân tán trọng lượng qua vây. Cá vây thùy không phải tổ tiên của chúng ta, nhưng đây là hóa thạch chuyển tiếp đích thực giữa cá và động vật bốn chân".

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất