Hóa thạch 5 triệu năm của cá sấu "vua đầm lầy" ở Australia

Cá sấu "vua đầm lầy" dài ngang cá sấu nước mặn ngày nay, chuyên ăn thịt thú có túi khổng lồ.

Loài cá sấu có tên khoa học Paludirex vincenti dài 5 m và thống trị vùng sông nước ở miền đông nam bang Queensland, theo Đại học Queensland (UQ). P. vincenti sinh sống cách đây 2,58 - 5,33 triệu năm, nhà nghiên cứu Jorgo Ristevski, nghiên cứu sinh ở Trường Sinh vật học thuộc Đại học Queensland cho biết trong báo cáo công bố hôm 21/12 trên tạp chí PeerJ.


Hộp sọ hóa thạch của Paludirex vincenti. (Ảnh: Jorgo Ristevski).

Ristevski và cộng sự nhận dạng loài cá sấu khổng lồ từ hóa thạch khai quật vào thập niên 1980 gần thị trấn Chinchilla. Chúng được đặt tên theo Geoff Vincent, người tìm thấy chiếc hộp sọ hóa thạch. "Paludirex" có nghĩa là "vua đầm lầy" trong tiếng Latinh. "Vua đầm lầy là một loài cá sấu đáng sợ", Ristevski nhận xét. "Hộp sọ hóa thạch của chúng có kích thước 65cm, vì vậy chúng tôi ước tính P. vincenti dài ít nhất 5m".

Loài cá sấu lớn nhất còn sống hiện nay là cá sấu nước mặn (Crocodylus porosus) cũng dài tương đương. Nhưng P. vincenti có hộp sọ rộng và nặng hơn, vì vậy chúng không giống cá sấu nước mặn, theo Ristevski. Chúng từng là động vật săn mồi hàng đầu ở Australia thời tiền sử, có thể ăn thú có túi khổng lồ. Hai loài cá sấu nước mặn và cá sấu nước ngọt vẫn sống ở Australia ngày nay. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu vẫn chưa rõ vì sao P. vincenti tuyệt chủng.

"Rất khó nói chúng có phải P. vincenti tuyệt chủng do cạnh tranh với cá sấu nước mặn hay không", Steve Salisbury, giảng viên ở Trường Sinh vật học, chia sẻ. "Một giả thuyết khác là chúng tuyệt chủng do khí hậu khô cằn, hệ thống sông ngòi nơi chúng sống thu hẹp. Chúng tôi đang nghiên cứu cả hai trường hợp".

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất