Hóa thạch lâu đời nhất trên Trái đất

Các nhà khoa học đã phát hiện thấy hóa thạch của vi khuẩn có niên đại các đây 3,4 tỷ năm ở Australia. Đây là những hóa thạch lâu đời nhất trên thế giới hiện nay.

Nhóm nghiên cứu, đứng đầu bởi tiến sĩ Martin Brasier thuộc trường đại học Oxford (Anh) đã phát hiện hóa thạch vi khuẩn có cấu trúc như tế bào tại khu vực Strelley Pool ở miền tây Australia. Các nhà khoa học cho biết những hóa thạch này được bảo vệ giữa những lớp thạch anh lâu đời nhất trên Trái đất.


Phân tích các mẫu hóa thạch khai quật được, các nhà khoa học phỏng đoán rằng những vi khuẩn sống cách đây 3,4 tỷ năm và chúng sử dụng khí lưu huỳnh thay vì ôxy để chuyển hóa thành năng lượng. Đây có thể là bằng chứng cho thấy rằng các dạng sự sống có thể tồn tại trong điều kiện khí ôxy thấp hoặc không có khí ôxy trên các hành tinh khác trong vũ trụ.

Hãng thông tấn Reuters dẫn lời tiến sĩ Martin Brasier cho biết: “Chúng tôi có thể khẳng định rằng những lớp đá nơi tìm thấy các hóa thạch được hình thành cách đây 3,4 tỷ năm. Phát hiện này là bằng chứng cho thấy môi trường sống thiếu ôxy như trên sao Hỏa không phải là vấn đề để sự sống tồn tại”.

Các nhà khoa học đã đưa ra giả thuyết rằng Trái đất cách đây 3,4 tỷ năm là một nơi tối tăm và nóng với các núi lửa hoạt động dữ dội và bị thiên thạch tấn công. Bầu trời khi đó được bao phủ bởi những đám mấy xám, khiến sức nóng từ Mặt trời yếu hơn ngày nay, nhưng nhiệt độ của các đại dương vẫn từ 40-50 độ C.

Nhóm nghiên cứu cũng nhận định rằng thời kỳ này, Trái đất có rất ít khí ôxy bởi vì không có cây xanh và tạo để quang hợp và sản xuất ra khí ôxy. Tiến sĩ Martin Brasier nhận định: “Đó là một bức tranh địa ngục. Không phải là nơi lý tưởng cho cuộc sống của chúng ta. Nhưng đối với vi khuẩn, đây là một môi trường lý tưởng”.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất