Hoãn đẻ sẽ được thưởng

"Tôi muốn nói với các bạn về "gói trăng mật" của chúng tôi", Jadhav, một y tá trợ lý, mở lời trong chuyến thăm một gia đình có cô dâu mới ở vùng nông thôn Satara, bang Maharashtra, Ấn Độ.

Jadhav giải thích rằng ủy ban huyện sẽ trả 5.000 rupee (khoảng 106 đôla) nếu các cặp vợ chồng hoãn sinh con. Việc chờ đợi này, theo bà, sẽ cho phép họ có thêm thời gian để học hành hoặc kiếm tiền.


Việc trì hoãn sinh đẻ cũng sẽ giúp Ấn Độ có thêm thời gian để kiềm chế tốc độ tăng dân số phi mã, đang đe dọa biến nguồn nhân lực dồi dào của nước này trở thành một gánh nặng kinh tế. Với gần 1,2 tỷ người, Ấn Độ đang là quốc gia trẻ, với gần một nửa số dân dưới tuổi 25.

Cấu trúc dân số này khiến một số chuyên gia dự báo rằng Ấn Độ có thể qua mặt Trung Quốc về tốc độ tăng trưởng kinh tế trong 5 năm tới, bởi nước này có nguồn nhân lực trẻ, dồi dào, trong khi Trung Quốc đang già đi nhanh chóng.

Tuy nhiên, lợi thế dân số trẻ cũng có nghĩa là một áp lực lớn đến nguồn tài nguyên, là thách thức cho hệ thống trường học và các dịch vụ khác, theo tờ New York Times.

Với dự báo dân số có thể lên đến 1,5 - 1,9 tỷ người, các nhà lãnh đạo Ấn Độ nhận ra rằng phải hành động tránh để xảy ra viễn cảnh đất chật người đông.

Tuy nhiên, không giống như ở Trung Quốc, nơi chính phủ kiểm soát chính sách dân số chặt chẽ từ lâu, Ấn Độ là một nền dân chủ thoải mái, nơi mà chính quyền trung ương cứ đặt ra mục tiêu dân số, còn việc thực thi hay không là tùy vào chính quyền bang.

Trong khi một số bang đã cấm các bậc cha mẹ sinh quá hai con, hoặc cắt giảm quyền lợi của nhân viên nhà nước nếu đẻ quá nhiều, thì ở các bang khác, quy định lỏng lẻo hơn nhiều. Một số chuyên gia nhận định rằng Ấn Độ đã chậm trễ trong việc kiểm soát dân số, và giờ họ cần hành động ngay.

Chương trình ở vùng nông thôn Satara là một chương trình điểm - nằm trong số các sáng kiến "mềm" được thực thi trên toàn quốc - nhằm làm chậm lại tốc độ tăng dân số.

Các chuyên gia cho biết có quá nhiều phụ nữ nông thôn kết hôn ở tuổi thiếu niên và có con ngay sau đó, góp phần đẩy nhanh sự nghèo đói và tạo ra cái vòng luẩn quẩn.

Ở Satara, giới chức y tế đã mở cuộc vận động để hạn chế việc tảo hôn cũng như khích lệ các "gói trăng mật" bằng khoản thưởng tiền mặt, khuyến khích việc sử dụng dụng cụ tránh thai, nhờ thế các cặp vợ chồng sẽ chậm sinh con.

Một phần nhờ vào "gói trăng mật" này, tỷ lệ sinh tại Satara đã giảm xuống còn khoảng 1,9 con trên mỗi gia đình, và nhiều phụ nữ đã chọn cách triệt sản sau khi sinh con thứ hai.

Dù vậy, việc giảm số con đã khiến tình trạng mất cân bằng giới tăng vọt, do nhiều gia đình tìm mọi cách để sinh con trai.

Tuy nhiên, ý tưởng hoãn sinh để được thưởng tiền vẫn khá hấp dẫn với nhiều phụ nữ trẻ. Cô dâu mới Reshma Yogesh Sawand, 25 tuổi, cho biết cô và chồng muốn hoãn sinh con - và chỉ sinh một - để tiết kiệm tiền và chuyển đến sống ở thành phố lớn.

"Nếu chỉ có một con, tôi có thể chăm sóc nó tốt hơn", Sawand, nhân viên bán bảo hiểm cho biết.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất