Hóc dị vật: Hậu quả khó lường!
Hóc dị vật là tai nạn thường xảy ra ở trẻ nhỏ. Khi cha mẹ phát hiện hay nghi ngờ trẻ bị dị vật đường thở cần giữ bình tĩnh, tránh cố gắng móc dị vật ra khỏi miệng trẻ vì chưa chắc lấy ra được mà có khi đẩy vào sâu hơn.
Bài viết sau hướng dẫn cách sơ cứu xử lý đúng cách khi trẻ bị hóc dị vật đường thở các bậc cha mẹ cần phải biết.
Nguyên nhân gây hóc dị vật
Trẻ nhỏ thường chưa nhận biết được công dụng, tác hại của từng đồ vật mà chúng nhìn thấy, kể cả có sự hướng dẫn của người lớn. Với bản tính tò mò, hay khám phá, trẻ có thể dễ dàng nuốt cả những vật to hay hình thù đa diện một cách nhanh chóng, nếu không được phát hiện sớm sẽ rất nguy hiểm.
Sự bất cẩn của người lớn khi không chú ý hoặc lơ là với trẻ.
Cho trẻ chơi những loại đồ chơi nhiều chi tiết nhỏ như đồ chơi tháo lắp bao gồm nhiều đinh ốc nhỏ dễ khiến trẻ thuận tay nuốt theo quán tính.
Trẻ ăn nhanh và vội cũng khiến thức ăn dễ bị mắc trong quá trình nuốt gây khó thở, tím tái, thậm chí co giật.
Trẻ ăn phải xương cá, xương gà bị hóc.
Thủ thuật xử trí khi trẻ hóc dị vật
Trẻ hóc dị vật là cơn ác mộng của tất cả các ông bố bà mẹ, nhưng nếu biết cách xử trí sẽ giảm bớt lo lắng và giúp con thoát khỏi tai nạn này.
Thủ thuật Heimlich là thủ thuật dùng để cấp cứu khi có dị vật lọt vào đường thở và choán gần hết diện tích của đường thở.
Nguyên tắc của Heimlich là tạo một lực tác động mạnh, đột ngột vào 2 buồng phổi bằng cách vỗ từ lưng hoặc ép vào cơ hoành, mục đích tạo ra một áp lực lớn đột ngột trong đường hô hấp đẩy dị vật ra ngoài. Vì thế Heimlich có hiệu quả rất tốt với những dị vật choán gần hết đường thở và dễ di chuyển như viên bi, kẹo... còn những vật khác không choán hết đường thở hoặc có hình dáng góc cạnh thì phải nhờ chuyên khoa tai mũi họng dị vật ra.
Heimlich có hiệu quả từ cú vỗ hoặc cú ép hoành đầu tiên, càng về sau hiệu quả càng giảm dần. Các bước thực hiện:
Bước 1: Kiểm tra xem bé còn thở không
- Nếu bé trở nên tím tái, nhanh chóng kiểm tra ngực bé xem chuyển động lên xuống và lắng nghe nhịp thở.
- Nếu bạn nghĩ bé hóc thứ gì đó, cố gắng loại bỏ dị vật với ngón tay làm thành một cái móc. Chỉ làm điều này nếu bạn có thể nhìn thấy dị vật trong họng con. Nếu không nhìn thấy, tuyệt đối không cho tay vào vì khi đó bạn có thể đẩy vật cản vào sâu trong cổ họng.
- Bạn cũng có thể dùng tay kiểm tra mạch đập của bé.
- Nếu trẻ bất tỉnh, loại bỏ bất cứ thứ gì có thể thấy ở miệng bé và bắt đầu thực hiện thủ thuật cấp cứu cho đến khi xe cứu thương đến.
Bước 2: Gọi xe cấp cứu
Tốt nhất là nhờ người khác làm việc này, trong khi bạn bắt đầu làm sạch các vật gây nghẹt cho bé.
Bước 3: Vỗ lưng
- Đặt bé nằm sấp trên cánh tay, đầu chúc xuống hơi thấp hơn ngực và cánh tay thả lỏng tựa vào cẳng chân bạn. Đỡ đầu của bé bằng lòng bàn tay bạn. Nếu bé quá nặng, bạn có thể đặt bé nằm xuống đùi bạn.
- Dùng gót bàn tay vỗ mạnh 5 cái vào lưng (vùng giữa hai xương bả vai của trẻ).
- Kiểm tra miệng xem có dị vật nào không và lấy ra. Nếu biện pháp vỗ lưng không hiệu quả thì chuyển sang động tác ấn ngực.
Bước 4: Ấn ngực
- Đặt bé nằm trên đùi bạn với đầu thấp hơn thân. Đặt 3 ngón tay phải ở giữa ngực bé (xương ức, ngay dưới núm vú). Ngón giữa của bạn nên để ngay giữa ngực.
- Khi đã đặt các ngón tay đúng chỗ, nâng ngón tay giữa và chỉ sử dụng các ngón tay còn lại để đẩy lên 5 lần, thật chắc.
Bước 5: Kiểm tra lại miệng bé và loại bỏ dị vật
Xem bé đã thở lại chưa, nếu chưa, tiếp tục thực hiện vỗ lưng, ấn ngực cho tới khi xe cấp cứu tới.
Cách phòng tránh hóc dị vật ở trẻ
- Bố mẹ nên quan tâm và để ý sát sao đến bé, chú ý các biểu hiện của bé.
- Không cho trẻ dưới 4 tuổi chơi các đồ chơi có kích thước và nhiều chi tiết nhỏ, các đồ chơi trẻ có thể nắm vừa trong lòng bàn tay.
- Không để các vật dụng nhỏ như kim, chỉ, đinh ốc, hạt cườm, thuốc...trong tầm với của trẻ.
- Hướng dẫn trẻ chơi đồ chơi an toàn, chỉ cho trẻ những vật dụng, đồ chơi không được phép ngậm hay nuốt.
- Hạn chế cho trẻ ăn các loại thức ăn có nguy cơ gây hóc như bỏng, lạc, các loại hạt... để đảm bảo an toàn cho trẻ, không hỏi chuyện hay gây chú ý với trẻ trong lúc trẻ ăn.
- Chú ý các thực phẩm có xương sống như cá, tôm, cua khi chế biến cho bé thức ăn cho bé.