Hội chứng sợ nói chuyện điện thoại: Tưởng kỳ lạ nhưng nhiều người mắc phải

Tại sao khi nhấc máy lên gọi, mọi từ ngữ trong đầu đến biến đi đâu mất?

Thời đại ngày nay, chúng ta được trang bị rất nhiều ứng dụng nhắn tin, nhưng vẫn không thể tránh khỏi những lúc phải gọi ai đó, hoặc được ai đó gọi. Chủ nhà hàng gọi điện để xác nhận lịch đặt chỗ của bạn, shipper gọi điện để bạn xuống lấy đồ, nhà tuyển dụng gọi để hẹn lịch phỏng vấn, bạn gọi điện cho tổng đài tư vấn để đăng ký dịch vụ...

Đối với một số người, cần một nỗ lực phi thường để nhấc điện thoại lên. Họ có thể phải tập đi tập lại câu mở đầu, vừa bấm số vừa run tay, khi âm thanh đầu bên kia cất lên, mọi từ ngữ trong đầu bay biến đi đâu mất.

Nhiều người nghĩ chỉ hướng nội hoặc mắc chứng lo âu xã hội (social anxiety) mới sợ nghe điện thoại. Tuy nhiên, vẫn có người sở hữu năng lực ngoại giao tốt nhưng vẫn ngại nhấc máy.

Năm 2011, một cuộc khảo sát của nhóm Pew Research ở Hoa Kỳ cho thấy trung bình một người sẽ thực hiện hoặc nhận hơn 12 cuộc gọi mỗi ngày. Đến năm 2015, con số này giảm xuống khoảng 6 cuộc gọi. Internet thì ngập tràn bộ “hướng dẫn kỹ năng” dành cho người không thích nghe điện thoại. Vậy vì sao lại hình thành nỗi sợ này và có cách nào để vượt qua nó không?

Bạn không biết người ở đầu dây bên kia đang nghĩ gì

Từ ngữ chỉ là một phần trong những cách mà chúng ta truyền đạt suy nghĩ của mình. Bạn có thể nói như thế này, nhưng giọng điệu, nét mặt, cử chỉ, ngôn ngữ cơ thể của bạn lại thể hiện thế khác. Do đó, ta cần phải nắm bắt, quan sát mọi hình thức “phi ngôn ngữ” để hiểu đối phương đang cố gắng truyền đạt điều gì. Trong khi đó, qua điện thoại chúng ta chỉ có thể nghe được giọng nói, và không thể suy đoán vẻ mặt đối phương.

Nhà tâm lý học lâm sàng Alexander Queen, người nghiên cứu về chứng rối loạn lo âu tại Đại học Tufts, Hoa Kỳ cho biết: “Khi đang cố gắng động viên một người, ngoài lời nói ta cũng dùng toàn bộ các cơ mặt”. Hãy thử để ý một chút, khi khen hoặc khích lệ ai đó, ta sẽ nhướng hoặc nhíu lông mày, tập trung giao tiếp bằng ánh mắt, đôi khi một cái gật đầu nhẹ cũng đủ để khuyến khích họ nói tiếp.

Không có những tín hiệu cơ thể, cuộc nói chuyện như hóa thành một trò chơi “bịt mắt bắt hình”. Bạn lúng túng không biết đối phương có thực sự đang vui như những gì họ nói không. Thậm chí đọc tin nhắn thoại cũng đem lại cảm giác tương tự.


Không quan sát được ngôn ngữ cơ thể của đối phương, ta sẽ lo lắng khi không biết họ đang nghĩ gì.

Bạn gặp áp lực về thời gian

Giao tiếp bằng văn bản, ít nhất bạn cũng có thời gian để sắp xếp suy nghĩ, biên tập, chỉnh sửa kỹ càng trước khi nhấn nút gửi. Gọi điện thoại đem lại cảm giác rủi ro cao hơn, bởi lời nói không thể thu hồi lại được như tin nhắn. Bạn không biết người kia có đang suy nghĩ và bị phân tâm không. Thậm chí đôi khi im lặng quá 5 giây cũng như dấu hiệu báo trước một “thảm họa”.

Ngoài ra cũng cần nói đến áp lực về thời gian nhận và trả lời cuộc gọi. Tin nhắn thì có thể đọc sau, nhưng gọi điện tức là phải toàn tâm toàn ý cho cuộc hội thoại. Vì thế nếu gọi ai đó, ta dễ nảy sinh cảm giác “sợ làm phiền người khác”. Đây cũng là nhận định của Jeremy Jamieson, giáo sư tâm lý học tại Đại học Rochester.

Bạn sợ bị phán xét, đánh giá

Nếu bạn đang ở trong văn phòng không gian mở, xung quanh có nhiều người, hẳn bạn sẽ ngại nhấc máy vì không muốn nói chuyện trước mặt đồng nghiệp. Mọi sự chú ý đổ dồn vào người duy nhất đang nói chuyện điện thoại trong văn phòng. Nghiên cứu trên tờ Psychological Science chỉ ra những cuộc hội thoại mà bạn chỉ có thể nghe được từ một phía (một người nói chuyện điện thoại) gây xao lãng hơn những cuộc hội thoại thông thường. Tức là bạn vẫn có thể làm việc khi xung quanh mình có nhiều người đang nói chuyện với nhau, nhưng bạn sẽ mất tập trung nếu trong phòng chỉ có một người duy nhất đang nói chuyện điện thoại.

Nhưng thường thì những người xung quanh bạn không khiến bạn lo lắng bằng người ở đầu dây bên kia. Jamieson nhận xét rằng nói chuyện điện thoại cũng đem lại cảm giác “sợ bị đánh giá” như phỏng vấn xin việc, thuyết trình trước đám đông, bởi chúng ta là các sinh vật xã hội và khát khao sự công nhận của người khác.


Người gặp lo âu xã hội có xu hướng tập trung nhiều vào bản thân để đảm bảo không lỡ nói ra thứ gì xấu hổ.

Một số người cũng sợ làm mất lòng bạn bè, người yêu và các mối quan hệ xung quanh. Trong khi nếu họ xích mích với nhân viên dịch vụ khi đang trao đổi qua điện thoại, không sao hết vì đằng nào cũng không gặp lại.

Papadakis nói: “Những người gặp lo âu xã hội có xu hướng tập trung nhiều vào bản thân để đảm bảo không lỡ nói ra thứ gì xấu hổ. Điều đó khiến cuộc trò chuyện thiếu tự nhiên, bởi nếu bạn chỉ chú ý đến bạn chứ không phải những gì đối phương hỏi, bạn sẽ mất tập trung, khó trả lời hơn”.

Đơn giản là bạn không thường xuyên gọi điện thoại

Một số người trẻ ngày nay không thường xuyên gọi điện. Họ sống trong một thế giới tràn ngập ứng dụng nhắn tin, họ có thể hiểu rõ các quy tắc nhắn tin, ý nghĩa của các biểu tượng, emoji, nhưng không thực hành gọi điện nhiều như thế hệ ông bà, bố mẹ nên chưa có đủ kỹ năng khi ứng xử trong một vài tình huống.

Gọi điện thoại cũng đòi hỏi một sự tinh tế và quy tắc ngầm nhất định, tùy thuộc vào tính cách người kia. Ví dụ nên bắt đầu gọi điện vào thời gian nào, có nên nhắn tin để thông báo trước khi gọi không (đề phòng người đó đang bận làm), hay nên kết thúc cuộc gọi ra sao để không kém duyên. Kể cả có biết điều mình muốn nói khi gọi cho ai đó, nhưng một số người vẫn phải tập luyện trước để có lời mở đầu suôn sẻ.

Vì thế, nếu không gọi điện thường xuyên hoặc không hay có cuộc nói chuyện điện thoại dài hơi với bạn bè, người thân, lẽ hiển nhiên bạn sẽ ngại nói chuyện điện thoại với mọi người. Tất cả đều cần luyện tập.

Làm thế nào để khắc phục nỗi sợ này?


Bạn có thể chuẩn bị trước dàn ý, kịch bản trước khi nói.

Như đã nói, để vượt qua nỗi sợ thì cách tốt nhất là đối mặt với nó. Càng tiếp xúc nhiều thì bạn càng quen với việc gọi điện. 

Chìa khóa ở đây là bắt đầu từ những bước nhỏ. Có thể chuẩn bị trước dàn ý, kịch bản trước khi nói. Tự luyện tập trước. Nhưng cũng không nên quá áp lực là mọi thứ cần diễn biến đúng mong đợi, bởi cuộc nói chuyện luôn có khả năng rẽ sang hướng bất ngờ. Để cuộc nói chuyện tự nhiên, hãy tưởng tượng là bạn đang nói chuyện trực tiếp với người kia, và đừng ngại “xuôi theo dòng chảy”.

Nhà tâm lý học Alexander Queen khuyên bạn nên tư duy theo kỹ thuật có tên là “tái cấu trúc nhận thức” (cognitive restructuring) tức là thay đổi cách nghĩ về cuộc gọi. Ví dụ bạn lỡ nói chuyện “cà lăm” hay “nuốt chữ”, hãy nghĩ rằng đối phương vẫn hiểu ý bạn, và có thể khi nói chuyện với người khác, họ cũng mắc lỗi “nuốt chữ” nhiều giống bạn. Do đó bạn sẽ bớt áp lực. Nhìn chung, thứ bạn nhìn nhận là khuyết điểm lớn thì người khác có khi chẳng để tâm đến vậy.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất