Hỏi khó: Những chú gà con ở trong quả trứng kín mít làm sao thở được nhỉ?

Trứng nhìn kín mít, làm sao gà con thở được nhỉ?

Khi chúng ta nằm trong bụng mẹ, tất cả mọi thứ từ dưỡng chất đến dưỡng khí đều được truyền cho ta qua dây rốn. Mọi thứ cứ êm đềm trôi qua đến khi chúng ta chào đời.

Vậy còn những động vật như gà thì sao nhỉ? Gà con rời cơ thể mẹ từ khá sớm, và tất cả những gì chúng có chỉ nằm vỏn vẹn trong một cái vỏ trứng. Nếu nhìn qua, trứng có vẻ như một nơi hoàn hảo: chúng chứa đựng đầy đủ những gì cần thiết để gà con lớn lên và được một cái vỏ cứng bao quanh, dù không quá kiên cố nhưng đủ để bảo vệ chúng khỏi kha khá tác động từ môi trường.


Một quả trứng nhỏ xíu như vậy không thể chứa đủ oxy cần thiết cho đến lúc gà con chào đời được.

Thế nhưng hình như vẫn có thứ gì thiêu thiếu thì phải? Đúng rồi, đó là dưỡng khí. Một quả trứng nhỏ xíu như vậy không thể chứa đủ oxy cần thiết cho đến lúc gà con chào đời được. Điều này có nghĩa là gà con không cần thở ư?

Không phải đâu. Như tất thảy mọi vật sống trên Trái đất này, chúng phải có oxi để thực hiện quá trình hô hấp. Hô hấp tạo ra năng lượng dùng trong tất cả các quá trình chuyển hóa vật chất. Một cái lòng đỏ và một cái lòng trắng không có hình dạng biến thành một con vật có hình hài, cơ thể với rất nhiều nội quan phức tạp - chính là nhờ năng lượng từ hô hấp.

Vậy thì, gà con lấy oxi kiểu gì trong khi vỏ trứng không có lấy một lỗ hổng như thế? Các nhà khoa học đã từng đặt ra câu hỏi này từ rất lâu trước kia và họ cũng đã có câu trả lời cho vấn đề này.

Hóa ra, không phải là vỏ trứng không có lỗ đâu, mà là những lỗ đó quá bé để chúng ta có thể nhìn thấy. Đâu đó giữa các tinh thể canxi cacbonat vẫn có các cổng khí nhỏ xíu để trao đổi khí cũng như để tăng giảm lượng hơi nước. Trung bình, mỗi vỏ trứng gà có khoảng hơn 7000 lỗ nhỏ.

Các lỗ này có thể cho cả các phân tử nước đi qua nữa, điều này lí giải tại sao trứng luộc lại nặng hơn trứng sống một chút.


Lỗ trên vỏ trứng quá bé để chúng ta có thể nhìn thấy.

Gà con trong thời gian đầu cũng như chúng ta, chúng chưa có phổi. Oxi đi qua vỏ trứng sẽ khuếch tán vào một hệ thống mạch máu tương tự như nhau thai ở người. Hệ mạch này hình thành chỉ sau khi quả trứng ra đời vài ngày, nối từ hợp tử đến màng ngoài của quả trứng.


Cũng chính nhờ hệ mạch và lỗ khí mà CO2 được thải ra môi trường bên ngoài.

Điều này cũng bật bí nguyên nhân đằng sau việc các bác nông dân thường soi trứng lên trước nến để biết liệu trứng có nở được hay không. Chỉ có trứng đã thụ tinh (hay còn gọi là trứng có trống) mới hình thành hợp tử, từ hợp tử đó hệ mạch mới phát triển. Những quả trứng có mạch này sẽ được giữ lại để ấp thành gà con, những quả còn lại không thể nở được nên sẽ được mang đi để bán.

Nhiều người cho rằng đâu cần phải phức tạp như vậy. Gà thở bằng khí từ bóng khí ở phần đầu quả trứng. Nhớ cái phần lòng trắng luôn bị vát khi bạn luộc trứng không? Nó đó.


Cấu tạo của trứng.

Thật ra, phần bóng khí này được tạo ra một cách khá ngẫu nhiên sau khi trứng rời cơ thể mẹ. Nhiệt độ trong người mẹ thì ấm, ngoài môi trường thì lạnh. Sự thay đổi này đã làm cho phần trứng phía trong cùng lớp màng co lại, hình thành một khoảng không chính là bóng khí.

Nhưng phần lớn thời gian trong trứng, gà con lấy khí qua các lỗ trên vỏ trứng cơ. Chỉ có một khoảng rất ngắn ngay trước khi phá vỏ chui ra (lúc này phổi của gà con đã hoàn thiện), gà con mới đục bóng khí này ra và thở bằng oxi có trong đó mà thôi.

Hơn nữa, lượng oxi này thật ra cũng chính nhờ các lỗ khí mà có được nên nếu nói gà con thở bằng bóng khí cũng không hẳn đã đúng.

Cơ chế trao đổi khí đặc biệt này không chỉ đúng với gà, mà là toàn thể gia cầm nói chung và nhiều loài bò sát khác nữa. Tạo hóa luôn có những cách rất độc đáo để nuôi dưỡng vạn vật, dù việc đó có "khó nhằn" đến đâu. Rất thú vị phải không?

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất