Hồi sinh voi ma mút đang trong tầm tay

Giới khoa học đang nắm chắc cơ hội làm sống lại dòng voi ma mút lông xoăn đã biến mất khỏi bề mặt địa cầu cách đây 4.000 năm, thông qua dự án đầy tham vọng trong lĩnh vực công nghệ di truyền.

Phát biểu trước Hội nghị thường niên của Hiệp hội Mỹ về những tiến bộ trong khoa học (AAAS) tổ chức tại Boston trong tuần qua, trưởng nhóm dự án xóa nạn tuyệt chủng ở voi ma mút, Giáo sư George Church cho hay đội ngũ chuyên gia Đại học Harvard (Mỹ) do ông dẫn đầu đang cách mục tiêu tạo ra phôi ma mút khoảng 2 năm nữa.

Trên thực tế, phôi này tồn tại dưới dạng phôi lai, bằng cách lập trình các đặc điểm của voi ma mút vào voi châu Á. Sinh vật này, với một số người gọi là "mammophant", dự kiến sẽ có bề ngoài như voi châu Á, nhưng bên cạnh đó sẽ xuất hiện các đặc điểm như tai nhỏ, mỡ dưới da dày, lông dài xù xì và máu huyết thích hợp với cái lạnh. Nhóm gene thể hiện những đặc điểm này sẽ được chèn vào ADN voi nhờ vào công cụ chỉnh sửa gene đầy hiệu lực là Crispr.


Voi ma mút đang đứng trước cơ hội hồi sinh trong bộ dạng của voi châu Á. (ẢNH: AFP).

Đến nay, đội ngũ chuyên gia chuẩn bị chuyển sang bước tạo phôi. "Chúng tôi đang triển khai các biện pháp nhằm đánh giá tác động của toàn bộ quá trình chỉnh sửa gene, và về cơ bản đang cố gắng thiết lập tình trạng phát sinh phôi (nói đơn giản là tạo phôi) trong phòng thí nghiệm", theo tờ The Guardian dẫn lời Giáo sư Church. Kể từ khi khởi động dự án vào năm 2015, các nhà nghiên cứu đã gia tăng số lượng "cắt - dán" ở những điểm ADN được ghép vào nhau trong chuỗi gene của voi, từ 15 lên 45 điểm.

"Chúng tôi đã biết những điểm cần thiết để tạo nên tai thu nhỏ, mỡ dày dưới da, lông và máu huyết", ông Church chỉ ra và cho rằng những thay đổi này có thể giúp bảo tồn loài voi châu Á, vốn đang bị xếp vào danh sách nguy cấp. Tuy nhiên, những người khác lại nêu bật quan ngại về mặt đạo đức đối với dự án này.

Matthew Cobb, giáo sư về động vật học của Đại học Manchester (Anh), cho rằng cần nhìn nhận vấn đề một cách thấu đáo, vì loài ma mút cũng như bao loài khác không chỉ là một tổ hợp các gene, và chúng là loài động vật sinh hoạt bầy đàn, giống như voi châu Á hiện đại. "Điều gì sẽ xảy cho con voi lai được sinh ra? Những con voi khác sẽ đối xử với nó như thế nào?", Giáo sư Cobb đặt câu hỏi.

Về vấn đề trên, Giáo sư Church cho hay ông đang phác thảo các kế hoạch nuôi lớn động vật lai bên trong dạ con nhân tạo chứ không cấy vào voi cái giống trường hợp mang thai hộ. Hiện phòng thí nghiệm của ông đã có thể nuôi phôi chuột trong tử cung nhân tạo suốt 10 ngày, tức đạt nửa thời gian trong giai đoạn thai nghén ở loài này. "Chúng tôi đang thử nghiệm sự tăng trưởng của chuột bên ngoài cơ thể sinh vật", Giáo sư Church kỳ vọng.

Loài voi ma mút lông xoăn đã đặt dấu chân rong ruổi khắp châu Âu, châu Á, châu Phi và Bắc Mỹ trong kỷ Băng hà gần đây nhất, và biến mất vào khoảng 4.000 năm trước, có thể là do tình trạng thay đổi khí hậu ảnh hưởng môi trường sống của chúng và cuối cùng bị con người đuổi tận giết tuyệt. Họ hàng gần nhất của chúng là voi châu Á, cũng là đối tượng sẽ được ghép gene với hy vọng có thể làm sống lại sinh vật huyền thoại một thời của địa cầu.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất