Hòn đảo hình móng ngựa do vụ phun trào 4.000 năm trước

Vụ phun trào dữ dội khiến đỉnh núi lửa Deception sụp xuống thành hõm chảo ngập nước, thậm chí tàu thuyền có thể chạy thẳng vào trong.

Hàng nghìn năm trước, một ngọn núi lửa ở Nam Đại Dương phun lên trời lượng lớn đá vụn và magma, khoảng 30-60km3. Đây là vụ phun trào lớn nhất ở khu vực xung quanh Nam Cực trong 12.000 năm.


Ảnh chụp vệ tinh của đảo Deception tháng 3/2018. (Ảnh: NASA).

Khi buồng chứa magma rỗng, áp suất bên trong núi lửa giảm đột ngột khiến đỉnh núi sụp xuống và tạo thành một hõm chảo. Hõm chảo có đường kính 8-10km. Vụ sụp đổ với quy mô như vậy đủ lớn để gây ra một chuỗi các trận động đất mạnh, các nhà nghiên cứu cho biết. Quá trình này khiến hòn đảo có hình móng ngựa độc đáo.

Năm 1820, khi tiếp cận hòn đảo, nhà thám hiểm Nathaniel Palmer đã đặt tên nó là Deception (Đánh Lừa) vì hình dạng gây nhầm lẫn. Nhìn từ một góc, hòn đảo có vẻ rất bình thường. Nhưng đổi sang góc khác, một lối đi hẹp dẫn vào cảng (hõm chảo ngập nước) sẽ lộ ra.

Deception là một trong hai núi lửa gần Nam Cực vẫn đang hoạt động. Nó đã phun trào hơn 20 lần kể từ thế kỷ 19. Những lần phun trào gần nhất xảy ra vào giai đoạn 1967-1970, trong khi các hoạt động địa chấn mới diễn ra năm 2014-2015. Đây là một trong những nơi hiếm hoi trên thế giới mà tàu thuyền có thể trực tiếp chạy vào giữa một ngọn núi lửa còn hoạt động.

Dù núi lửa nhiều lần phun trào, cảng Foster trên đảo lại được coi là một trong những cảng an toàn nhất Nam Cực vì không có các sông băng lớn. Bước sang thế kỷ 19, ngư dân bắt đầu tới hòn đảo để săn hải cẩu. Đầu thế kỷ 20, khi hải cẩu bị săn đến mức sắp tuyệt chủng, người đi biển chuyển sang săn cá voi ở vịnh Whalers phía đông cảng Foster.

Ngày nay, trên đảo có nhiều trạm nghiên cứu khoa học, dù một số đã bị các hoạt động núi lửa trước đó xóa sổ. Đây cũng là nơi thu hút khách du lịch với bãi biển đẹp, hồ nước nóng và những đàn chim cánh cụt quai mũ đông đúc.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất