"Hộp thời gian" 3.600 tuổi hé lộ một trong những thảm họa khủng khiếp nhất của nhân loại
Chiếc “hộp thời gian" cổ đại bị chôn vùi từ một trong những thảm họa núi lửa kinh hoàng nhất trong lịch sử loài người đã được khai quật trên bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ, cung cấp bằng chứng mới “hấp dẫn” về sự kiện Cataclysmic - Đại hồng thuỷ.
Trong một bài báo được xuất bản hôm 28/12/2021 của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia, một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế đã đưa ra những bằng chứng về một trận sóng thần mang tính hủy diệt xảy ra sau sự kiện phun trào dung nham của Thera (Santorini, Hy Lạp hiện đại), một hòn đảo núi lửa ở vùng biển Aegean, khoảng 3.600 năm trước.
Bức tranh mô tả đảo núi lửa Thera (Santorini, Ai Cập) ở Biển Aegean trong lúc dung pham phun trào. (Ảnh National Geographic).
Vụ phun trào "siêu khổng lồ" của Thera, được xếp hạng 7 (trên 8) theo chỉ số sức nổ núi lửa, được đánh giá là một trong những vụ phun trào dung nham có sức hủy diệt lớn nhất trong lịch sử loài người, được ví như vụ nổ của hàng triệu quả bom nguyên tử từng san phẳng Hiroshima.
Nhiều học giả tin rằng, ký ức đau thương về thảm họa núi lửa diễn ra ở Thời đại đồ đồng (khoảng năm 1.600 TCN) có thể được bắt gặp trong câu chuyện ngụ ngôn của Plato về thành phố chìm Atlantis, được sáng tác hơn một nghìn năm sau, và sức ảnh hưởng kinh hoàng của sự kiện này cũng được ghi chép lại trong chương “10 tai họa" trong Kinh thánh.
Mặc dù không có tài liệu trực tiếp nào ghi chép lại về vụ phun trào núi lửa, cũng như trận đại sóng thần, các nhà nghiên cứu hiện đã tìm được phương thức xác định phạm vi và tác động của chúng đối với cuộc sống ở Địa Trung Hải lúc bấy giờ - đáng chú ý nhất là đối với Minos, một nền văn minh tráng lệ bậc nhất Hy Lạp đã sụp đổ tại cùng mốc thời gian, vào thế kỷ 15 TCN.
Beverly Goodman-Tchernov đang kiểm tra một lớp tro tại địa điểm từng thuộc về Thời kỳ đồ đồng ở Çeşme-Bağlararası, Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh National Geographic).
Vén màn một “đại thảm họa" sóng thần
Bài báo cho biết, công cuộc nghiên cứu được triển khai tại địa điểm khảo cổ Çesme -Bağlararası, nằm ở thị trấn nghỉ mát nổi tiếng Çesme trên bờ biển Aegean của Thổ Nhĩ Kỳ, cách “thiên đường" Santorini hơn 100 dặm về phía Bắc Đông Bắc. Các cuộc điều tra bắt đầu vào năm 2002, sau khi đồ gốm cổ được tìm thấy trong quá trình xây dựng một tòa nhà chung cư.
Kể từ năm 2009, nhà khảo cổ học Vasıf Şahoğlu thuộc Đại học Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ đã nhận trách nhiệm chỉ đạo các cuộc khai quật tại khu vực gần như liên tục bị chiếm đóng giữa thiên niên kỷ thứ 3 đến thế kỷ 13 TCN.
Ông đã phát hiện ra những bức tường thành bị sụp đổ, những lớp tro và những mảnh vỡ của đồ gốm, xương và vỏ sò. Ông Şahoğlu đã nhanh chóng liên hệ với các đồng nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm Beverly Goodman-Tchernov, giáo sư khoa học địa chất biển tại Đại học Haifa của Israel và Nhà thám hiểm địa lý quốc gia, người có chuyên môn xác định sóng thần trong khảo cổ và địa chất.
Bức bích họa từ cung điện Minoan tại Knossos, Crete cho thấy thảm hoạ Thera đã làm gián đoạn các tuyến đường thương mại và cơ sở hạ tầng của người dân Minos. )Ảnh National Geographic).
"Sóng thần chủ yếu mang tính ăn mòn... chứ không có khả năng lắng đọng vật chất, do đó, chúng tôi rất phấn khích khi tìm thấy những hiện vật này", Floyd McCoy, giáo sư địa chất và hải dương học tại Đại học Hawaii, Cao đẳng Windward, bày tỏ trong một email.
McCoy đã nghiên cứu sự kiện phun trào núi lửa và sóng thần ở Thera nhưng không tham gia vào dự án mới đây, gọi nghiên cứu này là "một đóng góp thực sự không chỉ cực kỳ hữu ích đối với khoa học nghiên cứu trầm tích sóng thần mà còn mang ý nghĩa lớn trong việc tìm hiểu về đợt phun trào dung nham ở Thera".
Một thảm họa không có thương vong?
Một trong những bí ẩn lớn nhất của vụ phun trào núi lửa Thera là quá ít nạn nhân được ghi nhận: hơn 35.000 người được ước tính đã thiệt mạng trong trận sóng thần do đợt phun trào Krakatoa gây ra. Tuy nhiên, cho đến nay, chỉ có một thi thể được xác định “có khả năng" là nạn nhân của đại thảm họa tự nhiên trên: một người đàn ông được tìm thấy bị chôn vùi dưới đống đổ nát trên quần đảo Santorini, trong các cuộc điều tra vào cuối thế kỷ 19.
Các giả thuyết khác nhau được đưa ra: các vụ phun trào núi lửa có quy mô nhỏ hơn, xảy ra sớm hơn đã khiến mọi người phải chạy trốn khỏi khu vực đó trước khi xảy ra thảm họa kép lịch sử; các nạn nhân đã bị thiêu rụi bởi nhiệt độ siêu nóng từ dung nham; bỏ mạng dưới đáy biển; bị chôn vùi trong những ngôi mộ tập thể vẫn chưa được xác định.
Bản đồ nơi Thera - nay là Santorini toạ lạc. (Ảnh National Geographic).
"Làm thế nào mà một trong những thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất trong lịch sử lại không tiêu diệt được một mạng người?”, ông Şahoğlu thắc mắc.
Giáo sư Goodman-Tchernov cho rằng, các nhà nghiên cứu có thể đã không thể nhận ra những trầm tích từ đợt sóng thần trong quá khứ, đồng thời cũng có thể đã phát hiện ra các nạn nhân của thảm họa Thera nhưng “bỏ qua" hay “không liên kết" những manh mối lại được với nhau.
Tuy nhiên, ở Çesme-Bağlararası, giới nghiên cứu cho biết, họ đã tìm thấy nạn nhân đầu tiên của sự kiện diệt vong trên: hài cốt của một người đàn ông trẻ, khỏe mạnh với dấu hiệu chấn thương do lực tác động, được tìm thấy nằm ngổn ngang trong đống đổ nát của đợt sóng thần. Bộ xương của một chú chó nằm gần đó cũng được phát hiện cùng thời gian.
Công tác giám định và phân tích niên đại của 2 bộ xương vừa được tìm thấy sẽ bắt đầu triển khai vào tháng sau.
Những hiện vật còn sót lại của một trong những đại thảm họa kinh khủng nhất lịch sử nhân loại. (Ảnh National Geographic).
Những cơn sóng “cuồng nộ"
Các nhà nghiên cứu đã xác định, bốn đợt sóng thần đổ bộ vào Çesme-Bağlararası trong khoảng vài ngày cho đến vài tuần. Điều này “đặc biệt hấp dẫn” đối với McCoy vì trước đó, ông đã cho biết rằng có bốn giai đoạn dẫn đến sự phun trào núi lửa Thera. Các nhà nghiên cứu từ lâu đã đặt ra câu hỏi: "Giai đoạn phun trào nào đã kích hoạt trận sóng thần mang tính huỷ diệt kinh khủng đến vậy”?
Khi nước rút đi giữa các đợt sóng thần, có vẻ như những cư dân sống sót đã tận dụng cơ hội này để tìm kiếm nạn nhân trong sự hỗn loạn. Một vết lõm được tìm thấy ngay phía trên cơ thể của người thanh niên - dấu hiệu của việc bị ai đó “bấu víu" hoặc “nắm lấy" bởi một lực kéo mạnh. Tuy nhiên, người đó đã dừng lại quá sớm để có thể cứu được nạn nhân.
Bằng chứng về nỗ lực tìm kiếm nạn nhân trong đợt sóng thần này cho thấy mối quan tâm về việc chôn cất thi thể của những nạn nhân xấu số sau đại thảm họa, có thể trong các ngôi mộ tập thể để giảm thiểu dịch bệnh diễn ra sau đó, giúp giải thích sự vắng mặt chung của các nạn nhân là con người khỏi các cấp độ hủy diệt trong Aegean.
Chặng đường tìm sự thật vẫn chưa kết thúc
Theo sử sách ghi lại, vụ phun trào núi lửa Thera được ấn định vào một khoảng thời gian được gọi là Late Minoan IA, gắn liền với triều đại thứ 18 của Ai Cập cổ đại vào những năm 1500 TCN. Tuy nhiên, cacbon phóng xạ trên mảnh gỗ được tìm thấy trong lớp tro tại Akrotiri có niên đại vào nửa cuối những năm 1600 TCN — cách biệt lên đến hơn một thế kỷ.
Trong khi các nhà khoa học vẫn còn tranh luận về thời điểm diễn ra của thảm họa Thera và thiệt hại mà nó gây ra đối với Địa Trung Hải ở thời kỳ đồ đồng, giới nghiên cứu hy vọng, phát hiện này sẽ thúc đẩy các nhà khảo cổ học thuộc cùng dự án, kiểm tra lại có bỏ sót bất kỳ bằng chứng “khó nắm bắt" nào về một trong những thảm họa thiên nhiên tàn khốc nhất lịch sử nhân loại hay không.
Trong khi đó, ông Şahoğlu hy vọng rằng, địa điểm khảo cổ này - toạ lạc ở trung tâm của một thị trấn nghỉ mát nổi tiếng, một ngày nào đó có thể trở thành một điểm thu hút du lịch.
Jessica Pilarczyk, trợ lý giáo sư khoa học trái đất và chủ trì nghiên cứu về các hiểm họa tự nhiên tại Đại học Simon Fraser, cho biết, loài người sẽ phải đối mặt với không chỉ những hiểm họa vẫn còn âm ỉ ngoài biển khơi trong quá khứ, mà còn những tai hoạ có thể xảy ra trong tương lai. Bà chia sẻ thêm, nghiên cứu này là niềm hy vọng có thể khơi dậy nhận thức và thậm chí là tinh thần chuẩn bị đối với công chúng về những mối nguy hại từ tự nhiên.
“Không phải vì những thảm họa như sóng thần - diễn ra quá ít và cách xa nhau, đôi khi hàng thế kỷ trôi qua trước khi một sự kiện huỷ diệt khác xảy ra, không có nghĩa là mọi người có thể tự cho là bản thân mình được an toàn”.