Hướng đi mới giúp con người xóa bỏ ký ức đau buồn
Các nhà khoa học cố gắng tìm ra cách giúp não bộ thoát khỏi tình trạng sợ hãi, ám ảnh bởi ký ức đau buồn.
>>> Khoa học đưa ra cách "tẩy não" mới
Xóa ký ức đau buồn là ý tưởng vốn chỉ tồn tại trong các phim viễn tưởng, nhưng mới đây, các nhà khoa học Hà Lan đã tìm ra liệu pháp mới, phần nào giúp người bệnh quên dần sự kiện không vui. Bằng cách sử dụng liệu pháp co giật điện từ ngắn, các nhà khoa học đã có thể làm gián đoạn khả năng nhớ lại các ký ức buồn trong não bộ.
Theo lý thuyết, việc ghi nhớ được đảm bảo bằng những luồng tăng cường giữa các tế bào thần kinh, đặc biệt trong vùng hải mã. Vùng hải mã có vai trò quan trọng trong việc giữ, gợi lại trí nhớ về cảm xúc và nhận thức. Bất kỳ tình trạng cảm xúc nào có liên quan đến cảnh giác hay đe doạ đều có thể thay đổi chức năng của vùng hải mã, thay đổi hiệu quả, bản chất của việc giữ và gợi lại thông tin.
Chính từ ý tưởng này mà nhà khoa học Marijn Kroes và các đồng nghiệp thuộc ĐH Radboud Nijmegen (Hà Lan) đã tìm ra phương pháp mới - sử dụng liệu pháp điều trị bằng xung điện hay còn gọi là liệu pháp choáng điện (ECT) có tác dụng kích thích điện não, tác động đến vùng não khác nhau nhằm phá vỡ quá trình tái củng cố ký ức.
Kroes đã tiến hành thử nghiệm với 39 bệnh nhân mắc chứng trầm cảm nặng và luôn bị ám ảnh bởi ký ức buồn. Đầu tiên, ông yêu cầu bệnh nhân xem 2 video, một nói về câu chuyện đứa trẻ gặp tai nạn và phải phẫu thuật cắt bỏ đôi chân của mình. Video còn lại kể về cặp chị em bị bắt cóc và bị xâm hại tình dục.
Một tuần sau, các bệnh nhân được chia thành 3 nhóm A, B, C ngẫu nhiên và được yêu cầu nhớ lại chi tiết về một trong hai câu chuyện trên. Các thành viên nhóm A, B được điều trị bằng ECT (ECT hoạt động bằng cách đặt điện cực trên trán và đưa dòng điện qua não bộ, tạo ra một cơn co giật kéo dài 30-60 giây) ngay sau khi kể lại câu chuyện.
Ngày hôm sau, nhóm A phải hoàn thành một bài kiểm tra trắc nghiệm về hai câu chuyện trên. Điều ngạc nhiên là họ đã không nhớ hoàn toàn về câu chuyện đó.
Nhóm B cũng được điều trị bằng ECT nhưng sau khi kể lại câu chuyện 90 phút. Tuy nhiên, họ vẫn nhớ về câu chuyện, số lượng sai lệch thông tin ít. Nhóm C không được điều trị bằng ECT nên khả năng tái củng cố lại ký ức của họ vẫn tốt.
Qua cuộc thử nghiệm, các nhà khoa học cho rằng, có thể sử dụng phương pháp này trong khi tìm ra loại thuốc hay chất ức chế nào để đảo lộn quá trình ghi nhớ của não bộ. Nhưng để có được một loại thuốc đúng như vậy, các nhà khoa học còn phải mất nhiều thời gian và công sức nữa.