Hy vọng chống Ebola từ dơi

Dơi mang trong mình hơn 100 loại virus, trong đó có Ebola, virus bệnh dại, SARS nhưng lại không hề nhiễm bệnh. Nghiên cứu bí ẩn loài dơi được hy vọng sẽ giúp đối phó với các bệnh do virus trong tương lai.

Theo Fox News, việc nghiên cứu Ebola bắt đầu kể từ khi ổ dịch đầu tiên được phát hiện năm 1976 tại Cộng hòa Dân chủ Congo. Tới nay, các nhà khoa học nghiên cứu căn bệnh chết người này và Tổ chức Y tế thế giới WHO đều khẳng định dơi quạ chính là vật chủ tự nhiên của Ebola, phát tán virus này sang người và các động vật khác.

Việc lây truyền Ebola từ dơi sang người xuất phát từ thói quen ăn thịt thú rừng của người dân châu Phi. Tại những vùng như Trung và Tây Phi, thịt dơi, linh dương, sóc, nhím từ lâu là những món rất phổ biến trong thực đơn. Quá trình giết thịt và chế biến làm tăng nguy cơ tiếp xúc với máu và các chất dịch của động vật nhiễm bệnh, tạo điều kiện cho virus lây sang người. Điều này khiến dơi đang trở thành nỗi ám ảnh về một ổ bệnh di động, đặc biệt tại những khu rừng châu Phi, môi trường sống chủ yếu của loài vật này khi mà dịch Ebola đang hoành hành dữ dội.


Dơi là vật chủ mang virus Ebola nhưng đồng thời là thức ăn phổ biến của người dân châu Phi. (Ảnh: foxnews.com)

Khả năng miễn nhiễm với các virus đang sống trong cơ thể của dơi đang khơi gợi nhiều tò mò cho giới khoa học. Các nhà nghiên cứu hy vọng việc giải mã được bí mật này sẽ giúp tìm ra phương pháp hữu hiệu đối phó với các virus nguy hiểm như Ebola.

Manh mối đầu tiên cho các nghiên cứu bắt nguồn từ phân tích gene, qua đó cho thấy yếu tố giúp dơi thoát khỏi sự đe dọa của virus có thể liên quan tới khả năng bay.

Hoạt động bay đòi hỏi hệ chuyển hóa làm việc với tốc độ cao, gây áp lực và những tổn thương tiềm tàng lên các tế bào trong cơ thể. Để thích ứng với hoạt động này, dơi có thể đã phát triển cơ chế khiến một vài phần của hệ miễn dịch luôn trong trạng thái làm việc liên tục.

Theo nghiên cứu của Michelle Baker, từ Tổ chức Khoa học và Nghiên cứu công nghiệp các nước thuộc khối thịnh vượng chung Anh, cơ thể dơi duy trì nồng độ một loại protein đặc biệt cao hơn so với con người. Protein này được tế bào sản sinh khi virus xâm nhập, nhằm ngăn chặn sự phát triển của virus. Đây có thể là một lý do nữa giúp dơi không mắc bệnh dù mang virus.

Theo Baker, tất cả những nghiên cứu và nhận định trên mới chỉ là điểm xuất phát. Dù vậy, chuyên gia này cũng lạc quan cho biết: “Nếu có thể hiểu rõ cách thức dơi đối phó với những virus giết người trong cơ thể mình và tìm ra phương pháp điều chỉnh hệ miễn dịch của những loài khác để có được những phản ứng tương tự dơi, chúng sẽ dẫn tới những cách tiếp cận mới trong điều trị”.

Ngoài khả năng sống hài hòa với virus, dơi còn có tuổi thọ đáng ngạc nhiên. Loài dơi Myotis branditii, thường sống ở châu Âu và châu Á, có thể sống tới 40 năm dù kích thước bé nhỏ chỉ bằng một con chuột. Dơi cũng hiếm khi mắc ung thư, căn bệnh cướp đi mạng sống của hàng triệu người trên thế giới mỗi năm.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất