Hy vọng mới dành cho người khiếm thính - căn bệnh tưởng như không bao giờ có thể phục hồi

Khiếm thính (điếc) là một chứng bệnh có thể nói là không thể phục hồi, trừ phi bạn bị tổn thương ở màng nhĩ.

Có thể nhiều người chưa biết, bệnh điếc từ xưa đến nay vẫn được đánh giá là không thể chữa lành - ngoại trừ các trường hợp điếc do thủng màng nhĩ. Lý do là bởi cơ chế cảm nhận âm của chúng ta có liên quan đến các tế bào lông.

Ở ốc tai mỗi bên chúng ta có khoảng 15.000 tế bào lông. Chúng có vai trò cảm nhận, giúp chúng ta định vị được sóng âm thanh. Khi các sóng âm chạm đến, tế bào lông rung động và truyền dần đến màng nhĩ, và đó là cách chúng ta cảm nhận âm thanh.

Khổ nỗi, các tế bào lông này lại cực kỳ mong manh, có thể bị tổn thương theo thời gian hoặc khi gặp âm thanh quá lớn. Và điều quan trọng nhất là tế bào lông không thể hồi phục, nên tác hại gây ra là vĩnh viễn.


Tế bào nang lông trong tai.

Hay nói cách khác, điếc do suy giảm thính giác chính xác là căn bệnh không thể chữa lành.

Nhưng khoan đã! Câu nói trên giờ đã không còn đúng nữa, vì các nhà khoa học mới đây đã tìm ra cách để đảo ngược bệnh điếc bằng cách kích thích cho tế bào lông trong ốc tai mọc trở lại.

Ý tưởng này do các chuyên gia từ ĐH Rochester (Mỹ) đưa ra, xuất phát từ việc các loài động vật khác (ếch, chim, cá...) có thể biến tế bào xung quanh ốc tai trở thành nang lông để tái tạo khả năng nghe. Cơ chế của quá trình này chưa được làm rõ, nhưng nó có liên quan đến tín hiệu từ các protein phát ra.


Các nhà khoa học mới đây đã tìm ra cách để đảo ngược bệnh điếc.

"Kể cũng lạ, các loài thú lại là những loài gặp khó khăn khi muốn phục hồi thính giác" - tiến sĩ Jingyuan Zhang cho biết.

Các nhà nghiên cứu thử đã phân tích hiệu ứng của một trong các protein được xác định - mang tên ERBB2 - có trong tế bào lông của chuột sơ sinh. Lý do chọn protein này là vì trước đó đã có nghiên cứu chứng minh ERBB2 liên quan đến quá trình mọc lông tai của chúng.

Một số thử nghiệm đầu tiên cho thấy ERBB2 quả là có liên quan đến quá trình mọc lông. Nhưng chuột cũng giống như các loài thú khác, không thể tự tái tạo khi lông tai rụng mất. Bởi vậy, các chuyên gia đã thử biến đổi gene của chuột, sao cho có thể sản sinh nhiều protein này hơn.

Họ còn sử dụng cả virus để kích thích sự sản sinh của ERBB2 nữa. Kết quả, tất cả các thử nghiệm đều cho thấy con chuột mọc ra nhiều lông tai hơn.


Trẻ em nếu tiếp xúc với khói thuốc khi còn trong bụng mẹ có nguy cơ bị điếc cao gấp đôi bình thường.

"Quá trình phục hồi khả năng nghe là hết sức phức tạp, cần đến một chuỗi kích thích ở cấp độ tế bào" - trích lời giáo sư Patricia White, chủ nhiệm nghiên cứu.

"Các tế bào lông cảm nhận phải được tái tạo, và chúng cũng phải hoạt động một cách chuẩn chỉnh, kết nối được với hệ thống neuron thần kinh".

"Nghiên cứu này cho thấy một con đường phát tín hiệu để kích thích sự mọc lông trong tai, có thể kích hoạt nhờ nhiều phương pháp khác nhau, và từ đó hồi phục được khả năng nghe".

Theo White, nghiên cứu này có tầm vóc khá quan trọng. Trên thực tế thì hiện tại ở Mỹ, có khoảng 37,5 triệu người rơi vào cảnh mất thính giác dẫn đến điếc. Tại Anh, con số là 11 triệu.

Câu chuyện giảm thính giác là điều hết sức bình thường ở người già. Tuy nhiên, xu hướng người trẻ mắc phải cũng ngày càng tăng do thói quen nghe nhạc quá ồn, hoặc bị nhiễm virus, tiểu đường...

Ngoài ra, một nghiên cứu còn cho thấy trẻ em nếu tiếp xúc với khói thuốc khi còn trong bụng mẹ có nguy cơ bị điếc cao gấp đôi bình thường. Nguyên nhân là vì nicotine gây ảnh hưởng đến tín hiệu hóa học giữa não và thính giác.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Neuroscience.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất