Indonesia thành lập khu bảo tồn cá đuối lớn nhất thế giới
Ngày 21/2, Indonesia tuyên bố thành lập khu bảo tồn cá đuối lớn nhất trên thế giới với diện tích hàng triệu km2. Khu bảo tồn hứa hẹn sẽ thu hút nhiều hơn nữa khách du lịch tới đảo quốc này.
>>> Video: Đàn cá đuối bay như chim trên mặt biển
Luật pháp Indonesia cho phép bảo vệ toàn diện tất cả các loài sinh vật sống dưới nước tại các vùng biển xung quanh đảo quốc ở Đông Nam Á, nơi thường xuyên có sự xuất hiện của các loài cá đuối và cá mập lớn nhất thế giới.
Các nhóm bảo tồn quốc tế đã ca ngợi hành động của Indonesia và cho rằng khu bảo tồn cá đuối sẽ đem về doanh thu hàng triệu USD cũng như tạo nên một môi trường sống an toàn cho loài sinh vật này. Hiện cá đuối ở Indonesia được săn bắt trái phép với giá trung bình từ 40 USD đến 500 USD.
Nhiều khách du lịch nước ngoài đến Indonesia mỗi năm để chứng kiến vùng biển với đa dạng các loài sinh vật sinh sống, trong đó có cá đuối. Kích thước của cá đuối lên tới 7,5 mét khiến nó dễ dàng bị phát hiện trên mặt nước.
Indonesia là một trong số ít các quốc gia trên thế giới bảo tồn cả hai loài cá đuối sống trong các đại dương và rạn san hô. Quần thể cá đuối thường xuyên sinh sống xung quanh khu vực đảo Bali, hòn đảo Flores ở miền đông Indonesia và ngoài khơi trên mũi phía tây bắc của đảo New Guinea.
Sở dĩ cá đuối phát triển mạnh ở Indonesia do các rạn san hô và dòng chảy mạnh tạo điều kiện sống thuận lợi cũng như nguồn thức ăn dồi dào từ các loài sinh vật phù du.
Cá đuối được các nhà khoa học trên thế giới đánh giá là loài sinh vật thân thiện và thông minh. Nó có bộ não lớn nhất so với tỷ lệ kích thước cơ thể trong tất cả các loài cá.
Cá đuối có thể dễ dàng bị săn bắt bởi con người nếu như không được kiểm soát. Số lượng các đuối, đặc biệt ở châu Á đã giảm mạnh do nhu cầu đến từ thị trường Trung Quốc, nơi mà loài cá đuối có những tác dụng đặc biệt trong y học cổ truyền.
Indonesia thành lập khu bảo tồn cá đuối với diện tích 5,8 triệu km2 trên các đại dương. Mọi hình thức đánh bắt và xuất khẩu đều bị nghiêm cấm. Một năm trước đó, chính quyền địa phương ở Raja Ampat đã thành lạp một khu bảo tồn cá đuối riêng với diện tích 46.000km2.
Indonesia đã gia nhập nhóm các quốc gia bảo vệ cá đuối bao gồm Ecuador, Philippines, New Zealand và Mexico. Theo Liên minh Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên, các đuối là loài sinh vật rất dễ tuyệt chủng nếu bị săn bắt quá mức.