Iran phóng vệ tinh tự tạo đầu tiên
Sáng nay, Iran đưa thành công vệ tinh đầu tiên do nước này tự chế tạo mang tên Omid (Hy vọng) vào quỹ đạo, được thiết kế phục vụ cho mục đích nghiên cứu và viễn thông.
Truyền hình địa phương gọi sự kiện trên là "một thành tựu khác của các nhà khoa học Iran trong tình trạng bị cấm vận". Các nước phương Tây đang thi hành lệnh cấm vận với cáo buộc quốc gia Hồi giáo này âm mưu chế tạo bom hạt nhân, điều mà Tehran kịch liệt bác bỏ.
Vệ tinh Omid được đưa vào quỹ đạo bằng tên lửa đầy Safir-2 và sự kiện này được tiên đoán từ trước. Đợt phóng diễn ra trùngvào thời điểm Iran kỷ niệm 30 năm cuộc cách mạng Hồi giáo. Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad tuyên bố sự kiện phóng vệ tinh nhằm mục tiêu phổ biến "thuyết độc thần, hòa bình và công lý" trên thế giới.
Trong khi đó, sự kiện này có thể khiến phương Tây lo ngại rằng công nghệ liên quan được sử dụng để chế tạo tên lửa tầm xa mang đầu đạn hạt nhân. Tháng 8 năm ngoái, Tehran tuyên bố phóng thành công một tên lửa có khả năng đẩy vệ tinh nội địa đầu tiên của mình. Sau đó họ phóng tên lửa nghiên cứu tại vùng quỹ đạo thấp, chuẩn bị cho đợt phóng vệ tinh sáng nay.
Vệ tinh Omid cũng đánh dấu khai trương trung tâm không gian mới của Iran đặt tại một vị trí bí mật trên sa mạc, gồm đài chỉ huy ngầm dưới lòng đất và bệ phóng vệ tinh. Nhà Trắng gọi việc phóng vệ tinh của Iran là hành động "không thích hợp" và cảnh báo nó sẽ khiến quốc gia Hồi giáo này cô lập hơn trước cộng đồng quốc tế.
Tháng 10/2005, một tên lửa đẩy của Nga từng đưa vệ tinh đầu tiên của Iran mang tên Sina-1 vào quỹ đạo, phục vụ hoạt động viễn thông và chụp ảnh.