John Paul Stapp - Người đàn ông "tên lửa"

John Paul Stapp tự mình tham gia thí nghiệm kiểm tra sức chịu đựng của cơ thể bằng cách ngồi trên xe trượt gắn tên lửa. Các thí nghiệm của ông đã mở đường cho thiết kế ghế phóng an toàn hơn, dành cho phi công trong trường hợp thoát khỏi máy bay ở tốc độ cao.

Sau Thế chiến II, các loại phi cơ trên thế giới ngày càng trở nên nhanh hơn và bay cao hơn nhờ thiết kế cải tiến trên thân máy bay, động cơ phản lực hay hệ thống tên lửa đẩy mạnh mẽ. Mặc dù vậy, những chuyến bay nhanh và cao hơn cũng đồng nghĩa với những rủi ro lớn đối với phi công.

Sự chệnh lêch giữa sức mạnh ngày một lớn của máy bay với khả năng hạn chế của con người đã thôi thúc John Paul Stapp. Bác sĩ thuộc Lực lượng Không quân Mỹ tự thực hiện nghiên cứu sức chịu đựng của con người với môi trường khắc nghiệt, bằng cách gắn mình vào một chiếc xe trượt gắn tên lửa.

Những thử nghiệm đầu tiên

Mối quan tâm của của Stapp với những bài kiểm tra sức chịu đựng của con người lên đến đỉnh điểm, khi ông theo dõi màn thử nghiệm ghế phóng tại căn cứ không quân Wright Field vào năm 1946.

Một phi công thoát khỏi máy bay đang bay ở độ cao và tốc độ lớn sẽ chịu tác động của sức gió mạnh và lực g. Lý thuyết lúc bấy giờ cho 18G là giới hạn mà con người có thể chịu đựng. Câu hỏi đặt ra với Stapp là liệu đây có phải giới hạn thực sự không, và nếu không thì có cách nào để bảo vệ cho phi công khi bị va chạm ở tốc độ và cao độ lớn.


Sự thay đổi trên khuôn mặt John Paul Stapp khi thực hiện các thử nghiệm tốc độ cao. (Ảnh: fineartamerica.com)

Thử nghiệm đầu tiên của nhà nghiên cứu được tiến hành trên đường băng dài hơn 600m ở căn cứ không quân Muroc. Đây là nơi được xây dựng để các nhà khoa học Mỹ nghiên cứu bom bay V1. Bằng cách gắn thêm tên lửa vào một chiếc xe trượt, Stapp có thể tăng tốc theo chiều dài của đường băng với tốc độ gần như khi máy bay gặp nạn. Hệ thống phanh có chức năng dừng xe ở đoạn cuối đường băng, tương tự những gì mà phi công trải nghiệm khi xảy ra va chạm ở tốc độ cao.

Tính đến ngày 8/6/1951, các tình nguyện viên đã thực hiện 74 lượt với chiếc xe trượt này, trong đó Stapp là một trong những tay đua thường xuyên nhất. Mặc dù vậy, điều đó dường như vẫn chưa đủ đối với Stapp, khi ông muốn thử tốc độ nhanh hơn và sự giảm tốc mạnh hơn. Cơ hội đến với người đàn ông liều lĩnh này khi ông được chuyển từ Muroc đến căn cứ không quân Holloman ở New Mexico, năm 1953.

Tại Holloman, cùng sự hợp tác với tập đoàn Northrop, Stapp đã nghiên cứu một loại xe trượt gắn tên lửa gọi là Sonic Wind No. 1. Ngồi lên một chiếc ghế giống với ghế của phi công máy bay phản lực, Stapp lái chiếc Sonic Wind lần đầu tiên vào ngày 19/3/1954. Hệ thống 6 tên lửa đẩy chiếc xe với tốc độ gần 700km/h, một kỷ lục về tốc độ trên mặt đất. Khi chiếc xe dừng lại, ông đã chịu một lực mạnh 22 G.

Các mục tiêu tốc độ mới từng bước được nâng cao dần trong những lần thử nghiệm sau đó. Chiếc xe trượt có gắn tên lửa, khởi hành ngày 20/8/1954, đã tăng tốc độ lên 800km/h. Stapp vẫn sống sót.

Người đàn ông nhanh nhất hành tinh

Chuyến thử nghiệm cuối cùng của Stapp được thực hiện ngày 10/12/1954, với nhiều yếu tố đáng chú ý hơn cả. Lúc này, ba tên lửa được gắn thêm vào hệ thống đẩy của Sonic Wind. Vì không có kính chắn gió nên tay và chân của Stapp đều được bảo vệ nhằm làm giảm nguy cơ chấn thương. Ông đội một chiếc mũ bảo hiểm và ngậm khuôn trong miệng để bảo vệ răng. Máy ảnh tốc độ cao được bố trí trên đường chạy và cả ở trên cao.

9 tên lửa đưa chiếc xe trượt và Stapp vào cuộc thử nghiệm mang tích lịch sử. Trong vòng 5 giây, chiếc xe tăng vận tốc nhanh chóng tăng từ 0 lên 1.017,1km/h. Khi chiếc xe phanh gấp và dừng lại hoàn toàn trong khoảng 1,4 giây, Paul Stapp đã chịu một lực mạnh hơn 40 g. Lực khi dừng lại được so sánh tương đương khi một người lái xe cảm giác như đang đâm sầm vào bức tường gạch, với tốc độ 193km/h.


Stapp được hỗ trợ chuẩn bị trước khi thực hiện thử nghiệm với chiếc Sonic Wind No.1. (Ảnh: stapp.org)

Stapp được đưa ra khỏi xe và đưa đến bệnh viện. Cơ thể của ông trong tình trạng sốc do ảnh hưởng mạnh từ lực G, tất cả các mạch máu trong mắt đều bị tổn thương, thị lực về không trong giây lát và được cho là có thể bị mù. Stapp bị rạn xương sườn, gẫy hai cổ tay, sự giảm tốc độ đột ngột còn khiến hệ hô hấp và tuần hoàn bị tổn thương. Sau thí nghiệm, Stapp được tạp chí Time bình chọn là Người đàn ông nhanh thế thế giới.

Trước khi hoàn toàn bình phục sau chấn thương, Stapp lên kế hoạch bổ sung tên lửa cho lần thử nghiệm tiếp theo, với mục tiêu tăng tốc độ nhanh hơn so với vận tốc âm thanh. Tuy nhiên, kế hoạch này không thể thực hiện với sự can thiệp của không quân Mỹ. Stapp không được tham gia các thí nghiệm tốc độ cao hơn, bởi cuộc sống và công việc của ông có ý nghĩa hơn cả so với những chặng đua tốc độ cao đầy mạo hiểm.

Bằng phép ngoại suy, Stapp chứng minh rằng phi công có thể sống sót khi thoát khỏi một chiếc máy bay đang di chuyển ở vận tốc hơn 2.800km/h ở độ cao hơn 10.000m. Ông cũng chứng minh được rằng một phi công có thể chịu được lực 45 G trong một vụ va chạm. Với những thí nghiệm này, Stapp đồng thời thiết lập kỷ lục về lực G lớn nhất mà con người từng trải qua.

Các thí nghiệm của Stapp giúp quân đội Mỹ thiết kế ghế phóng an toàn hơn cho các phi công trong trường hợp thoát khỏi máy bay ở tốc độ cao. Stapp qua đời năm 1999, ở tuổi 89.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất