Kẹo bông đã trở nên phổ biến bởi một nha sĩ như thế nào?
Các nha sĩ thường khuyến cáo bạn nên hạn chế sử dụng đồ ngọt, nhưng trong lịch sử, một món kẹo đặc biệt đã trở nên phổ biến nhờ sự nỗ lực của một nha sĩ.
Có lẽ hình ảnh những chiếc xe đạp với thùng kim loại làm kẹo bông đặt ở đằng sau, rong ruổi khắp các con phố cùng với lời rao của người bán đã trở thành một ấn tượng khó phai trong ký ức của mỗi người. Những que kẹo ngọt như đường và trắng như bông đó luôn là món quà hấp dẫn và dễ dụ cho những đứa trẻ.
Những que kẹo ngọt như đường và trắng như bông đó luôn là món quà hấp dẫn và dễ dụ cho những đứa trẻ.
Điều thú vị nhất của những que kẹo bông không chỉ nằm ở hương vị hay hình dáng, mà còn nằm ở cách tạo ra chúng. Nhìn những sợi tơ trắng bất ngờ hiện ra trong thùng quay và dần bám xung quanh thanh kẹo giống như một phép màu vậy. Trên thực tế, nếu quay ngược thời gian vào những năm trước 1900, việc cầm trên tay một chiếc kẹo bông như vậy đúng là một phép mầu.
Xuất hiện sớm nhất trong các tiệm bánh đặc sản ở Italy từ thế kỷ 15, tại đây, siro đường được đun sôi trong chảo và "được búng ra" thành các sợi để tạo hình trang trí. Do quá trình làm rất tốn sức lao động và giá thành cao của đường – thành phần duy nhất của nó, những chiếc "kẹo từ đường sợi" này chỉ được làm với số lượng nhỏ và dành riêng cho những gia đình rất giầu có.
Một căn phòng được ốp toàn bằng kẹo bông trên tường.
Trong suốt 300 năm sau đó, món kẹo này trở nên ngày càng được ưa chuộng nhưng vẫn chỉ dành cho những gia đình khá giả, bậc cao trong xã hội. Cuối những năm 1500, khi vua Henry III của Pháp đến thăm Venice, ông đã được thiết đãi bằng một bữa tiệc hào nhoáng với 1.286 vật dụng khác nhau – kể cả khăn trải bàn – đều được làm từ đường kéo sợi.
Mọi việc chỉ bắt đầu thay đổi vào năm 1897, khi một nha sĩ, ông James Morrison cho rằng những sản phẩm từ đường nên được thưởng thức bởi tất cả mọi người. Sinh ra tại Nashville năm 1860, niềm đam mê của ông James Morrison dường như khá mâu thuẫn nhau. Dù là một nha sĩ giỏi, nhưng ông lại là người ưa thích các tiến bộ ẩm thực, cũng như đã được cấp bằng sáng chế cho hàng loạt các thiết bị.
Nhưng bước đột phá lớn nhất của Morrison đến vào năm 1897 khi ông cùng với John C. Wharton, một người bạn cũ và là một người có cùng sở thích về bánh kẹo. Cả hai cùng thiết kế và đứng tên trên bằng sáng chế một thiết bị mà họ gọi là "máy sản xuất kẹo bằng điện". Bằng cách sử dụng lực ly tâm, chiếc máy này nhanh chóng làm nóng chảy đường và kéo thành sợi thông qua các lỗ nhỏ li ti cho đến khi nó mượt như bông và chứa 70% là không khí.
Bằng sáng chế gốc về máy kẹo bông của ông James Morrison và John C. Wharton.
Cả hai gọi chiếc kẹo đó là "tơ thần tiên" và thành lập nên công ty "Electric Candy Company". Họ dành nhiều năm sau đó để hoàn thiện quy trình sản xuất trước khi ra mắt nó với công chúng.
Tại Hội chợ Thế giới năm 1904 ở Louisiana, họ giới thiệu sản phẩm kẹo của mình, bán nó trong các hộp gỗ nhỏ với giá 25 cent mỗi hộp (khoảng 6 USD ngày nay) – gần bằng một nửa giá vé vào hội chợ. Dù vẫn còn khá đắt, nhưng chiếc kẹo đó đã mang lại thành công lớn.
Hội chợ Thế giới năm là nơi thu hút đến 35.000 người tham dự mỗi ngày tổ chức và là một trong những nơi khai sinh ra các món ăn nổi tiếng thế giới sau đó như xúc xích, bơ lạc, kem ốc quế và giờ đến lượt kẹo bông. Trong hơn 184 ngày, Morrison và Wharton bán được 68.655 hộp, thu được 17.163,75 USD (khoảng 438.344 USD theo thời giá năm 2014).
Quảng cáo về máy sản xuất kẹo bông chạy điện.
Tuy nhiên, trong khi phát minh của nha sĩ Morrison phát triển mạnh, nó ngày càng chứng tỏ tính không ổn định theo thời gian. Ngay lần đầu xuất hiện, nó đã cho thấy các tính chất thô sơ của mình: nó rung lắc dữ dội, hay bị tắt đột ngột và quá nóng, nó cũng khó có thể mở rộng quy mô và tái sản xuất.
Vì vậy, năm 1921, ngay sau khi bằng sáng chế của ông Morrison hết hạn, lại một nha sĩ khác ông Josef Lascaux đã tái phát minh lại chiếc máy này, nhưng ông không bao giờ theo đuổi việc kiếm lời từ bằng sáng chế của mình, và những tiến bộ của ông đã không được công bố. Những gì ông làm được, chỉ là đặt ra cái tên "kẹo bông" và bán nó cho trẻ em tại cơ sở chữa bệnh của mình. Theo thời gian, cái tên "kẹo bông" này dần thay thế tên cũ (dù hiện nay tên "tơ thần tiên" vẫn được dùng ở Úc).
Ngày nay, những chiếc máy này đã trở nên gọn nhẹ, hiệu quả, ổn định và nhanh hơn rất nhiều.
Mãi đến năm 1949, với sự xuất hiện của các giá đỡ có gắn lò xo, chiếc máy sản xuất kẹo bông này mới có được sự nâng cấp đáng kể đầu tiên. Những cải tiến đó thuộc về công ty Gold Medal, người sản xuất và bán gần như 100% các máy sản xuất kẹo bông trên thế giới hiện nay. Suốt những năm 1960 và 1970, hàng loạt các cải tiến về tự động hóa đã được áp dụng cho toàn bộ quá trình – từ kéo sợi đến đóng gói – để hoàn tất quá trình sáng tạo.
Ngày nay, những chiếc máy này đã trở nên gọn nhẹ, hiệu quả, ổn định và nhanh hơn rất nhiều. Kẹo bông cũng không còn giới hạn chỉ trong mầu trắng bông như lúc đầu, giờ người ta có thể pha thêm những loại mầu và hương liệu khác nhau vào đường để cho ra những que kẹo với mầu sắc và mùi thơm khác nhau. Cùng với sự thay đổi về quan niệm thực phẩm, những đồ ngọt với lượng đường cao như kẹo bông đang dần trở nên vắng bóng.