Kết quả ADN chưa thể khẳng định loài mới

Ngày 16/5, báo Đất Việt đăng bài phỏng vấn GS.TSKH Vũ Quang Côn về việc công bố rùa hồ Gươm là loài mới căn cứ vào xét nghiệm ADN là chưa thuyết phục, nhiều nhà khoa học đã có ý kiến liên quan xung quanh vấn đề này.

TS Võ Văn Sự, trưởng Bộ môn Động vật quý hiếm và đa dạng sinh học, Viện chăn nuôi Quốc gia (Bộ NN-PTNT): Để xác định loài mới, trước tiên phải dựa vào sự khác nhau về ngoại hình. Tiếp đến là phải nghiên cứu đặc điểm về sinh lý, sinh hóa, sinh hoạt của loài đó. Và cuối cùng, với tiến bộ hiện nay, để xác định loài mới các nhà khoa học cũng dựa thêm vào công nghệ ADN.

Nếu khẳng định rùa Hồ Gươm là một loài hoàn toàn mới thì theo tôi điều đó quả là khó có thể xảy ra, còn bảo là loài rùa phụ mới thì có thể chấp nhận được. Phải hiểu là, cách phân loại hiện nay loài có phụ loài.

Dựa vào ADN cho rằng rùa Hồ Gươm là một loài mới thì tôi cho rằng không đúng, chỉ có thể là một loài rùa phụ mới thì đúng hơn.


Rùa hồ Gươm có phải là loài mới... Vấn đề còn gây tranh cãi. Trong ảnh: Tiêu bản cụ rùa Hồ Gươm trong đền Ngọc Sơn (Ảnh: Nguyễn Hữu).

PGS.TS Nguyễn Xuân Quýnh, khoa Sinh học, trường Đại học Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội): Để xác định một loài mới thì cần phải dựa vào rất nhiều yếu tố và mỗi nhóm loài lại có những tiêu chuẩn định loại khác nhau. Tuy nhiên, có những tiêu chuẩn chung bắt buộc phải tuân thủ như mô tả đặc điểm hình thái ngoài, cấu tạo bên trong và bây giờ người ta còn làm đến ADN.

Tôi là chuyên gia về các loài động vật không xương sống như tôm, cua nên đối với nhóm loài chúng tôi thì quan trọng nhất là mô tả chính xác đặc điểm hình thái ngoài của loài để định tên và xác định xem chúng có phải là loài mới không. Chỉ khi nào việc xác định quá phức tạp không thể dựa vào đặc điểm hình thái ngoài thì chúng tôi mới cần đến xét nghiệm ADN.

Để công bố một loài mới, nhất thiết phải đăng trên một tạp chí khoa học có uy tín trong nước hoặc đăng trên tạp chí khoa học nước ngoài thì tốt nhất, nhưng quan trọng là thế giới người ta công nhận phát hiện của mình mà không phản bác là được.

PGS.TS Nguyễn Xuân Đặng, trưởng phòng Động vật học có xương sống, Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật (Viện KH-CN Việt Nam): Để khẳng định một loài mới, chủ yếu phải xác định được về mặt hình thái, tức là kích thước, khối lượng, cấu tạo... và hiện nay, người ta cũng dựa thêm vào kết quả xét nghiệm ADN.

Rất tiếc, đến bây giờ tôi cũng chưa được tiếp cận công trình nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học Viện Công nghệ sinh học về công bố rùa Hồ Gươm là loài mới. Tuy nhiên, viện Công nghệ sinh học cũng là một viện đầu ngành về lĩnh vực này, nên theo tôi nghĩ nghiên cứu của họ cũng có cơ sở.

Quan điểm của tôi, khi công bố loài mới không nhất thiết bắt buộc là phải được công bố trên các tạp chí khoa học có uy tín trên thế giới mà chỉ cần công bố ở các tạp chí khoa học có uy tín trong nước cũng được... Việc công bố trong nước hay nước ngoài thì điều đó là không quan trọng, vẫn thế cả thôi!

GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, chủ tịch Hội Động vật học Việt Nam: Để công bố rùa Hồ Gươm là loài mới các nhà khoa học cần phải bàn bạc và xem xét lại quy trình nghiên cứu.

Phải làm thật cẩn thận vì đã là mới thì phải chính xác 100%. Để làm được điều đó, rất cần thiết có sự tham gia của các nhà khoa học chuyên sâu về phân loại học, các tổ chức quốc tế về rùa để họ cùng công nhận thì sẽ rất tốt cho mình. Phải cho họ được lấy mẫu, phân tích mẫu cùng mình vì dù sao họ cũng có những kinh nghiệm phân loài rất tốt.

Có nhiều tổ chức cùng làm thì kết quả sẽ càng khách quan và càng tăng độ tin cậy cho công bố của mình. Theo ý tôi, việc công bố rùa Hồ Gươm là loài mới là hơi vội vàng khi điều kiện chưa chín muồi. Làm khoa học, càng thận trọng thì càng tốt.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất