Kết quả họp báo NASA: Tìm ra dấu vết của sự sống trên sao Hỏa trong quá khứ, và có thể bây giờ vẫn còn

Các bằng chứng mới đây cho thấy nhiều khả năng sao Hỏa đã từng nuôi dưỡng sự sống trong quá khứ. Và thậm chí có thể là cả bây giờ.

Như đã đưa tin thì mới đây, NASA đã tổ chức họp báo công bố một phát hiện quan trọng đến từ robot tự hành Curiosity trên sao Hỏa. Và theo như công bố, Curiosity đã tìm ra dấu vết cho thấy sao Hỏa dường như đã từng có sự sống vào thời cổ đại.

Cần hiểu rằng điều này không có nghĩa hiện tại sao Hỏa có sự sống, nhưng nó là một tiềm năng dành cho các nhiệm vụ thám hiểm bề mặt sao Hỏa trong tương lai của nhân loại.


Robot tự hành Curiosity.

Cụ thể, Curiosity đã tìm ra một dạng phân tử hữu cơ có tuổi thọ từ 3 tỉ năm trước, nằm bên trong lớp đá trầm tích gần bề mặt hành tinh. Các phân tử hữu cơ thường được cấu tạo từ carbon và hydro, đôi lúc có cả oxy và nitrogen nữa.

Thông thường, phân tử hữu cơ luôn liên quan đến sự sống, vì các quá trình sinh học thường tạo ra sản phẩm như vậy. Tuy nhiên, đôi lúc một số quá trình không liên quan đến sinh học vẫn tạo ra phân tử hữu cơ. Vậy nên dù rất đáng mừng, đây không phải là dấu hiệu chắc chắn cho thấy hành tinh này có sự sống.

"Với kết quả lần này, dù chưa chắc chắn nhưng sao Hỏa đang muốn chúng ta tiếp tục kiên nhẫn và tìm kiếm sự sống tại đây một cách năng nổ hơn" - trích lời Thomas Zurbuchen, quản lý chương trình Science Mission Directorate tại trụ sở của NASA.

"Tôi cảm thấy tự tin rằng những nhiệm vụ hiện tại và trong tương lai trên sao Hỏa đang đi đúng hướng. Chúng ta sẽ khai phá được rất nhiều điều kinh ngạc của hành tinh Đỏ".


Tìm ra dấu vết các phân tử hữu cơ là một bước ngoặt lớn

Jen Eigenbrode - chuyên gia tại Trung tâm bay không gian Goddard của NASA tại Maryland, cũng là tác giả nghiên cứu thì chia sẻ: "Curiosity hiện chưa thể xác định nguồn gốc của các phân tử hữu cơ này".

"Nhưng dù là bằng chứng về sự sống trong quá khứ, là thức ăn, hay chỉ là phân tử hữu cơ hiện diện mà không có sự sống, thì đây vẫn là manh mối rất giá trị về sao Hỏa xưa kia".

Ở thời điểm hiện tại, bề mặt sao Hỏa không phải là nơi phù hợp để hỗ trợ sự sống. Nhưng đã có bằng chứng hết sức rõ ràng về việc sao Hỏa đã từng là một thế giới chứa đầy nước hàng tỉ năm trước. Thậm chí, Curiosity còn xác định được khu vực hồ nước bên trong miệng núi lửa Gale có đầy đủ điều kiện để thúc đẩy sự sống phát triển.

"Tiếc là sao Hỏa đã bị tấn công bởi bức xạ Mặt trời. Mọi nguyên liệu hữu cơ đã bị phá huỷ" - Eigenbrode cho biết.


Ở thời điểm hiện tại, bề mặt sao Hỏa không phải là nơi phù hợp để hỗ trợ sự sống.

Phát hiện khí methane trong khí quyển

Theo họp báo thì nghiên cứu lần này có 2 bản báo cáo, trong đó một bản ghi nhận sự thay đổi mật độ khí methane theo từng mùa trong vòng 3 năm sao Hỏa (tức 6 năm Trái đất).

Sự thay đổi này được xác định nhờ hệ thống SAM (Sample Analysis at Mars) tích hợp trên Curiosity.

Đây không phải là lần đầu tiên NASA tìm thấy methane trên sao Hỏa, nhưng tất cả những lần trước đều xuất hiện theo quy mô rất khó dự đoán. Chỉ lần này, họ nhận thấy methane xuất hiện trong lòng núi lửa Gale có mật độ thay đổi dễ dự đoán: tăng mạnh vào mùa hè, và giảm dữ dội trong mùa đông.


Miệng núi lửa Gale.

"Đây là lần đầu tiên chúng tôi ghi nhận được quy luật của khí methane trên sao Hỏa, và chúng đòi hỏi phải tiếp tục nghiên cứu để tìm hiểu thêm" - Chris Webster thuộc phòng thí nghiệm động cơ phản lực (JPL) của NASA cho biết.

"Mọi chuyện xảy ra là nhờ Curiosity hoạt động dài hơn dự tính. Thời gian làm nhiệm vụ càng lâu, chúng ta càng dễ nhận ra quy luật".

Quá trình tìm kiếm vật liệu hữu cơ

Tại sao khí methane lại thay đổi? Muốn tìm hiểu, chúng ta phải xác định được điều đó ngay dưới mặt đất. Và robot tự hành Curiosity đã làm điều này bằng cách khoan vào lớp đá trầm tích trên miệng núi lửa Gale.


Hệ thống SAM của Curiosity.

Lớp đá bùn tại đây đã hình thành từ hàng tỷ năm trước, tích tụ bên dưới một cái hồ - tất nhiên là giờ không còn nước nữa.

Các mẫu đá bùn sau đó được phân tích bằng hệ thống SAM.

Curiosity dùng một chiếc lò, nung các mẫu đất ở nhiệt độ 500 độ C. Kết quả, đã có một lượng phân tử hữu cơ thoát ra - trông giống như một phần của phân tử khác lớn hơn thế. Phân tích bằng SAM thì chỉ ra rằng mật độ carbon rơi vào khoảng 10 phần triệu, hoặc hơn như thế.

Tỉ lệ này tưởng là nhỏ, nhưng thực chất lớn hơn cả trăm lần so với các bằng chứng về carbon trên bề mặt sao Hỏa trước kia. Trong đó có thiophene, benzene, toluen, và một số chuỗi carbon nhỏ hơn như propane và butene.

Sự tự tin đến sớm

Với phát hiện lần này, các chuyên gia của NASA đang rất tự tin hướng đến việc khởi động robot tự hành tiếp theo - robot Mars 2020, và cả robot ExoMars của Cơ quan hàng không vũ trụ châu Âu (ESA) nữa. Cả 2 đều là các thiết bị tối tân, và chúng có khả năng tìm thấy nhiều bằng chứng thú vị hơn nữa.


Sao Hỏa có sự sống hay không?

Và điều quan trọng nhất là chúng sẽ thúc đẩy giới khoa học không ngừng tìm kiếm đáp án cho câu hỏi đã làm trăn trở chúng ta bấy lâu nay: Liệu sao Hỏa có sự sống hay không?

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất