Kết thúc 7 năm đằng đẵng, phần tên lửa 3 tấn vừa đâm vào Mặt Trăng: Chi tiết lạ xuất hiện!
Cho đến nay, vẫn chưa ai biết phần tên lửa đâm vào Mặt Trăng là của nước nào!
Một giai đoạn tên lửa đã qua sử dụng vừa kết thúc chuyến phiêu lưu trong không gian kéo dài 7 năm của nó vào ngày 4/3/2022, bằng cách lao vào Mặt Trăng ở tốc độ khoảng 9.656 km/giờ, Space thông tin.
Hình ảnh mô phỏng phần tên lửa đâm vào Mặt Trăng. Nguồn: Scitechdaily
Theo các chuyên gia, sự kiện phần tên lửa đâm vào Mặt Trăng diễn ra lúc 12:25 GMT ở phía xa Mặt Trăng, có nghĩa là nó nằm ngoài tầm quan sát của các kính thiên văn trên mặt đất. Tàu quỹ đạo do thám Mặt Trăng của NASA có thể không ở vị trí thuận lợi để xem xét vụ va chạm, nhưng cơ quan này đã cam kết sẽ tìm ra miệng hố va chạm - một quá trình có thể mất vài tuần hoặc vài tháng.
Theo báo cáo của Scientific American, miệng hố va chạm đó được cho là gần với miệng hố va chạm Hertzsprung rộng 570 km được hình thành tự nhiên.
Vị trí va chạm dự kiến của phần tên lửa đâm vào phía xa của Mặt Trăng vào ngày 4 tháng 3 năm 2022. Ảnh: NASA / LROC / ASU / Scott Sutherland
Vụ va chạm ngày 4/3/2022 đánh dấu vụ va chạm Mặt Trăng không chủ ý đầu tiên được biết đến của con người giữa một vật thể nhân tạo với vật thể vũ trụ tự nhiên [không tính các tàu thăm dò đã bị rơi khi cố gắng hạ cánh xuống Mặt Trăng].
NASA trước đó đã điều hướng giai đoạn thứ ba của tên lửa mặt trăng Saturn V lao vào bề mặt Mặt Trăng trong nhiều sứ mệnh của Apollo, nhưng những vụ va chạm đó là cố ý.
PHẦN TÊN LỬA NÀY CỦA NƯỚC NÀO?
Chính xác thì giai đoạn tên lửa nặng 3 tấn lao vào Mặt Trăng xuất phát từ đâu và của ai/quốc gia nào vẫn là một vấn đề còn nhiều tranh luận.
Các phân tích ban đầu chỉ ra tên lửa rằng đó là phần tên lửa Falcon 9 của SpaceX (Mỹ) từng phóng vào không gia năm 2015. Rồi sau đó, người ta lại cho rằng đó là phần tên lửa Trường Chinh 3C của Trung Quốc, từng được dùng để thực hiện sứ mệnh Chang'e-5-T1 năm 2014.
Tuy nhiên, Trung Quốc đã bác bỏ kết luận này. Đích thân Wang Wenbin, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc (MOFA), trong cuộc họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh ngày 21/1/2022 khẳng định phần tên lửa đẩy đã qua sử dụng sắp đâm vào Mặt Trăng KHÔNG PHẢI từ sứ mệnh Chang'e 5-T1 của Trung Quốc thực hiện cách đây 8 năm.
Những điều này vô tình để lộ những khó khăn trong việc quan sát các vật thể nhỏ ở xa Trái Đất của các nhà thiên văn học.
Chang'e-5-T1 là sứ mệnh tiền thân của sứ mệnh Chang'e 5 nổi tiếng hơn sau này, với công lao mang được mẫu Mặt Trăng quý hiếm trở lại Trái Đất vào tháng 12/2020.
Dự đoán đầu tiên được biết đến về vụ va chạm đến từ nhà thiên văn học Mỹ Bill Gray, người điều hành chương trình Dự án Sao Diêm Vương theo dõi các vật thể không gian xa xôi. Các tính toán ban đầu của ông Gray và những người khác cho rằng 'tác nhân' là tầng trên của tên lửa SpaceX Falcon 9 đã phóng vệ tinh của Đài quan sát Khí hậu Không gian Sâu (DSCOVR) vào tháng 2/2015.
Tuy nhiên, ông Gray sau đó đã sửa lại phân tích của mình sau khi thảo luận với các nhà thiên văn học khác, bao gồm Jonathan McDowell, nhà thiên văn học thuộc Trung tâm Vật lý thiên văn Harvard-Smithsonian, người thường theo dõi các vệ tinh và mảnh vỡ không gian. Nghiên cứu của ông Gray và một số quan sát độc lập khác cho thấy vật thể này thực chất là một phần của tên lửa Trường Chinh 3C đã phóng sứ mệnh Chang'e 5-T1 của Trung Quốc vào năm 2014.
CHI TIẾT LẠ: PHẦN TÊN LỬA TQ CHƯA TÁI NHẬP BẦU KHÍ QUYỂN
Trung Quốc, như đã nói, đã phủ nhận kết luận từ phía các nhà khoa học Mỹ. Tuy nhiên, các nghi vấn lại dấy lên khi SpaceNews dẫn thông tin từ Bộ Tư lệnh Không gian Mỹ cho hay: Phần còn lại của tên lửa Trường Chinh 3C (phóng năm 2014) cho đến nay vẫn chưa tái nhập bầu khí quyển Trái Đất như Phi đội Kiểm soát Không gian số 18 của Lực lượng Vũ trụ Mỹ thông tin trước đó (rằng Trường Chinh 3C đã tái nhập khí quyển vào tháng 10/2015).
Hiện, Phi đội Kiểm soát Không gian 18 đang xác định bản cập nhật thích hợp cho danh mục không gian của mình. Tuy nhiên, phi đội này không thể xác nhận nguồn gốc của tên lửa đã đâm vào Mặt Trăng là của quốc gia nào.
Phát ngôn viên của Bộ Tư lệnh Không gian Mỹ nói với SpaceNews trong một email: “Với hơn 43.000 vật thể mà chúng tôi theo dõi hàng ngày, con số này đã tăng thêm 1.500 do sự phá hủy có chủ đích của COSMOS 1408 và việc phổ biến khoảng 800.000 cảnh báo kết hợp hàng ngày, chúng tôi tập trung vào các vật thể gần Trái Đất hơn”.
Vấn đề về các mảnh vỡ không gian sâu dự kiến sẽ trở nên quan trọng hơn trong những năm tới vì cả Mỹ và một số đối tác cũng như Trung Quốc và Nga đang lên kế hoạch cho các chương trình Artemis và Trạm Nghiên cứu Mặt Trăng Quốc tế (ILRS) tương ứng để thiết lập sự hiện diện lâu dài trên Mặt Trăng.
Holger Krag, Trưởng Chương trình An toàn Không gian của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA), cho biết: "Vụ va chạm của vật thể nhân tạo lên Mặt Trăng ngày 4/3/2022 cho thấy sự cần thiết phải có một chế độ điều tiết toàn diện trong không gian, không chỉ đối với các quỹ đạo quan trọng về mặt kinh tế xung quanh Trái Đất mà còn áp dụng cho Mặt Trăng" .