Khai quật hàng chục pho tượng Phật nghìn năm tuổi
Các nhà nghiên cứu ở Viện khảo sát khảo cổ Ấn Độ (ASI) phát hiện dấu tích của một tu viện Phật giáo xây từ thế kỷ 10 chứa nhiều tượng Phật lớn.
Những pho tượng khai quật ở bang Jharkhand. Ảnh: ASI.
Nhóm khảo cổ khai quật 11 pho tượng đá tại di chỉ nằm ở quận Hazaribag thuộc bang Jharkhand phía đông Ấn Độ. Các pho tượng cao 0,6 - 0,9 m. Trong đó, 6 pho tượng mô tả Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, 5 pho tượng còn lại nhiều khả năng phỏng theo Tara, nữ thần Hindu giáo và Bồ Tát trong Phật giáo. Các chuyên gia cũng tìm thấy chữ khắc bằng hệ thống chữ cái Devanagari. Họ hy vọng khi dịch xong, bản khắc sẽ cung cấp thêm nhiều thông tin về tu viện.
ASI lần đầu tiên phát hiện 3 gò đất tại khu vực, nằm ở chân đồi Juljul hồi cuối năm ngoái. Họ khai quật một trong số các gò đất. Sau khi đào sâu khoảng hai mét, nhóm khảo cổ tìm thấy đền thờ chính và hai đền thờ phụ. Từ tháng 1/2021, họ làm việc ở gò đất thứ hai cách gò đất ban đầu 40 m. Gần đây, họ tìm thấy 3 gian có diện tích gần hơn 2.500 m2. Nhóm nghiên cứu cho biết đây dường như là công trình kết hợp đền thờ và tu viện. Mỗi bằng chứng đều chỉ ra công trình được xây dưới thời Pala, theo nhà khảo cổ Neeraj Mishra.
Vương triều Pala cai trị vùng Bengal và Bihar từ thế kỷ 8 đến thế kỷ 11. Các vị vua của vương triều này ủng hộ xây dựng tu viện Phật giáo, nhưng cũng cho phép phát triển Hindu giáo. Ở đầu thời Pala, các nhà điêu khắc phía đông Ấn Độ phát triển phong cách tạo hình chú ý nhiều tới chất liệu, trang sức và nửa trên cơ thể người.
Nhóm nghiên cứu ở Jharkhand đã di dời các pho tượng khỏi tường gạch nơi tượng gắn vào. Họ đang lên kế hoạch vận chuyển cổ vật tới bảo tàng của ASI ở Patna, Bihar.