Khai thác dầu diesel từ cây hoang dại

Dầu diesel sinh học thân thiện với môi trường do hàm lượng lưu huỳnh thấp có thể chiết xuất được từ hạt cây Jatropha (cây Cọc rào), một loại thực vật mọc hoang ở các tỉnh phía Bắc nước ta.

"Cứ 1 hecta cây Jatropha cho năng suất 8-12 tấn hạt một năm có thể sản xuất được khoảng 3 tấn dầu sinh học. Loại dầu này có thể thay thế dầu diesel truyền thống khai thác từ mỏ vốn đang cạn kiệt", tiến sĩ Ngô Thị Lam Giang, Viện nghiên cứu dầu và cây có dầu Việt Nam, cho biết. 


Cũng theo bà Giang, trước những nghiên cứu của thế giới về khả năng cho dầu của loại Jatropha, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã ký quyết định phê duyệt đề án Nghiên cứu phát triển và sử dụng sản phẩm cây Cọc rào giai đoạn từ nay đến năm 2025. Diện tích gieo trồng dự kiến lên đến 500.000 ha.

Kỹ sư Phạm Văn Tuấn, người có nhiều năm nghiên cứu cây Jatropha cho biết, một trong những ưu điểm của loại cây này là dễ trồng, chỉ cần tra hạt hoặc cắm một nhánh xuống đất cằn là loại thảo mộc này cũng có thể sống và phát triển được.

Tuy nhiên cũng theo ông Tuấn, để có năng suất cao, người gieo trồng cần chú ý khâu chọn giống, bởi đây là loại cây dài ngày nên nếu chọn giống sai sẽ phải mất nhiều năm, khi cây có quả mới có thể phát hiện ra. Việt Nam đang có nguồn tài nguyên này rất lớn nhưng vẫn chưa khai thác. 


Theo tài liệu của trường Đại học Purdue, Mỹ, Jatropha curcas là loại cây thuộc họ thầu dầu, có thể đạt tới chiều cao 6 mét, rậm lá, lá to bản (chiều dài đến 40 cm, chiều rộng đến 35cm), hoa nhiều màu từ xanh, vàng đến hồng đỏ và có nhiều hạt.

Từ nhiều năm nay, một số nước châu Á như Ấn Độ, Philippines và Malaysia cũng đã chuyển hướng để trồng loại thảo mộc này tại các vùng đất khô cằn do đặc điểm phát triển nhanh mà không mất nhiều công chăm sóc, có thể cung cấp nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến để tạo ra nhiên liệu sinh học.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất