Khám phá sự khác biệt thú vị về truyền thuyết Táo quân Việt Nam và Trung Quốc
Tục cúng ông Công, ông Táo có cả ở rất nhiều quốc gia châu Á nhưng ít ai biết được sự khác biệt Táo quân Việt Nam và Trung Quốc ở những điểm nào.
Ông Công ông Táo
Táo Quân trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam có nguồn gốc từ ba vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ của Lão giáo Trung Quốc nhưng được Việt hóa thành huyền tích "2 ông 1 bà" - vị thần Đất, vị thần Nhà, vị thần Bếp núc. Tuy vậy người dân vẫn quen gọi chung là Táo Quân hoặc Ông Táo. Bếp là bản nguyên của nhà khi người nguyên thủy có lửa và đều dựa trên nền móng là đất.
Ngoài ra người Việt Nam còn quan niệm Táo Quân sẽ lên trời và thưa với Ngọc Hoàng Thượng đế những sự kiện xảy ra trong năm vừa qua ở dưới trần gian. Vì thế người Việt Nam làm lễ tiễn ông Công ông Táo rất thịnh soạn với mong muốn những điều tốt đẹp nhất sẽ được thưa với Ngọc Hoàng.
Theo phong tục, tập quán người Việt quan niệm chỉ có 1 ông táo sống trong mỗi nhà cả năm, trong khi ở Trung Quốc, phần lớn lại tin rằng có tới 3 vị thần cùng nhau cai quản.
Khác biệt Táo quân Việt Nam và Trung Quốc còn được thể hiện qua truyền thuyết và sự tích khác nhau về câu chuyện truyền miệng liên quan đến các vị thần.
Truyền thuyết Táo Quân Trung Quốc
Ngày xưa, có hai vợ chồng đốn củi sống sâu trong rừng, cuộc sống nghèo khó, ăn không đủ ăn, mặc không đủ mặc nhưng không biết làm cách nào thoát ra khỏi tình cảnh này nên người chồng mỗi lúc một chán nản, sinh ra rượu chè. Gã đốn củi thuê mỗi đêm trở về nhà trong bộ dạng say khướt, không còn làm chủ được suy nghĩ, hành động của mình.
Phẫn uất vì hận đời, ông ta trút hết mọi giận dữ lên bà vợ đáng thương. Những trận đòn roi đau đớn lâu dần đối với bà cũng thành quen, người phụ nữ thương chồng nên nhẫn nhục từ tháng này sang tháng khác, năm này qua năm khác. Sự chịu đựng có giới hạn, vì thế, khi không thể nhẫn nhịn được nữa, bà vợ đã bỏ trốn khỏi túp lều trong rừng để đi tìm một cuộc sống mới, không bao giờ muốn trở về nơi tăm tối này một lần nào nữa.
Nhiều ngày trôi qua, vừa đói vừa khát nhưng người phụ nữ ấy vẫn chưa ra được khỏi rừng mà bụng thì đói, đôi chân đã rớm máu rất đau đớn. May mắn thay, trong lúc đang kiệt sức cô nhìn thấy ca-bin của 1 thợ săn. Người đàn ông tốt bụng mang đồ ăn và cho cô chỗ ngủ ấm áp. Thời gian qua đi, hai người dần nảy sinh tình cảm và lấy nhau.
Cuộc sống mới bên người thợ săn yêu mến mình hết mực, cô vợ đã quên mất quá khứ cùng người chồng cũ.
Mọi thứ cứ thế bình lặng trôi qua cho đến một ngày gần Tết, đúng lúc người thợ săn đang vắng nhà, một người ăn xin gõ cửa để xin thức ăn. Người vợ thương tình mời kẻ ăn xin vào nhà, cảm thương trước vẻ rách rưới đang run lên vì đói rét, cô đã sửa soạn cho hắn 1 bữa cơm thịnh soạn. Trong khi quan sát kẻ vô gia cư, nghèo đói ăn ngấu nghiến hết món này đến món khác, cô chợt nhận ra đây chính là người chồng cũ của mình.
Đúng lúc này, cô nghe rõ tiếng bước chân của chồng mình sắp về tới nơi. Cô hoảng loạn không biết nên làm gì vì vừa thương cho người chồng cũ vừa lo lắng cho hạnh phúc vừa chớm nở của mình với chồng mới. Trong lúc rối trí cô chỉ nghĩ được cách giấu kẻ ăn xin vào đống rơm sau nhà, đợi lúc phù hợp để cho ông ta đi.
Không may là ngày hôm đó người thợ săn mang về rất nhiều đồ ăn về sau buổi săn thành công nên anh hun hết đống rơm sau nhà để nướng thịt. Ngồi trong đống rơm, người ăn xin hoảng sợ định hét lên nhưng sợ rằng mình làm ảnh hưởng tới người phụ nữ tốt bụng đã cho anh bữa ăn thịnh soạn nên ông cố gắng giữ im lặng.
Biết chồng cũ bỏ mạng trong đám cháy lớn, vì quá thương xót và đau đớn cô tự ném mình vào ngọn lửa đang rực cháy. Người thợ săn thấy thế dù không hiểu gì nhưng cố ngăn lại nhưng không thể. Thấy người vợ yêu quý chết trước mắt mình, anh cũng lao theo vào ngọn lửa vì nghĩ rằng nếu không có vợ cuộc sống của mình cũng không còn ý nghĩa nữa.
Cảm động trước câu chuyện của 3 người nên dân làng lập đền thờ 3 người nọ tỏ lòng tôn trọng. Sau đó người đời gọi 3 người này là các Táo Quân, hay 3 vị thần Bếp Núc.
Sự tích Táo quân ở Việt Nam
Ngày xưa, cặp vợ chồng Trọng Cao - Thị Nhi lấy nhau đã lâu, trông ngóng bao năm mà vẫn không thể có một mụn con. Quá buồn chán vì tình cảnh hiện tại, hai người nảy sinh mâu thuẫn, cãi vã thường xuyên. Một hôm, trong cơn nóng giận, không kiềm chế được bản thân, ông chồng Trọng Cao đã tát vợ một cái như trời giáng khiến cô vợ tên Thị Nhi căm phẫn bỏ đi.
Trong hoàn cảnh khó khăn Thị Nhi gặp gỡ và được người đàn ông tên Phạm Lang chăm sóc, nảy sinh tình cảm nên hai người đã sống với nhau như vợ chồng.
Nói về người chồng cũ Trọng Cao khi cơn giận qua đi, anh ta vô cùng hối lỗi và bỏ hết công ăn việc làm đi tìm vợ. Ngày tháng qua đi anh vẫn không thể tìm thấy vợ mà tiền mang theo đã hết sạch nên đành phải đi ăn xin.
Một lần đang xin ăn, anh tình cờ vào đúng nhà Thị Nhi. Hai người nhận ra nhau và cùng nhau ngồi lại nói về chuyện cũ, cô vợ nhận ra mình vẫn còn tình cảm và thương cảm cho Trọng Cao. Cô tỏ lòng ân hận vì đã trót lấy Phạm Lang làm chồng.
Biết chồng mình sắp về, quá lo sợ chồng bắt gặp Trọng Cao trong nhà sẽ nảy sinh những chuyện chẳng lành khiến không khí gia đình căng thẳng, nên Thị Nhi bảo Trọng Cao chui vào đống rơm ngoài vườn.
Chưa kịp trốn thoát thì đúng lúc này Phạm Lang lấy đống rơm đem ra đốt để lấy tro bón ruộng. Trọng Cao không dám chui ra sợ làm liên lụy đến Thị Nhi nên bị chết thiêu. Từ trong nhà Thị Nhi thấy chồng cũ bị thiêu chết nên hoảng loạng nhảy vào đống rơm đang cháy để chết chung.
Phạm Lang bất ngờ với những gì xảy ra trước mắt, anh liền nhảy vào đống rơm đang cháy để cứu vợ ra nhưng không may cả hai đều vị đám cháy thiêu rụi.
Ngọc Hoàng ở trên cao cảm động trước tình cảm 3 người sống có tình có nghĩa nên sắc phong làm Táo quân, hay Định Phúc Táo Quân mỗi người giữ một việc. Phạm Lang làm Thổ Công – trông coi việc bếp núc, Trọng Cao làm Thổ Địa – trông coi việc nhà cửa, Thị Nhi làm Thổ Kỳ - trông coi việc chợ búa.
Về cơ bản, cúng Táo quân về trời và ăn Tết cổ truyền là những hoạt động mang đậm tính truyền thống của người Phương Đông và khác biệt Táo quân Việt Nam và Trung Quốc không quá nhiều, đều có điểm chung là:
Những ngày cuối năm là thời điểm thích hợp để cách thành viên trong gia đình được sum vầy, những ai xa nhà được trở về nhà. Người lớn tất bật nấu nướng cúng bái, dọn dẹp bàn thờ nhà cửa từ 23 tháng Chạp, sửa soạn cho cái Tết hàn huyên trước cả tháng. Trẻ con nao nức được ăn bánh chưng, được mừng tuổi lì xì đỏ, được diện quần áo đẹp đi chơi.
Những nét đẹp văn hóa truyền thống này đã, đang và sẽ được người Việt Nam, người Trung Quốc nói riêng và người dân Châu Á nói chung gìn giữ, phát huy truyền thống tốt đẹp đáng tự hào của tổ tiên.