Khí cầu khổng lồ của NASA lập kỷ lục ở Nam Cực
Trong chuyến thu thập dữ liệu về vũ trụ, khí cầu trong nhiệm vụ GUSTO trở thành khí cầu khoa học hạng nặng bay lâu nhất lịch sử của NASA.
Khí cầu của nhiệm vụ GUSTO phóng lên không trung ngày 31/12/2023, gần Trạm McMurdo của Quỹ Khoa học Quốc gia Mỹ ở châu Nam Cực nhằm thu thập dữ liệu khoa học để hiểu sâu hơn về vũ trụ. Đến ngày 24/2, khí cầu khổng lồ này đã bay 55 ngày, 1 giờ, 34 phút phía trên Nam Cực, lập kỷ lục khí cầu khoa học hạng nặng bay lâu nhất từ trước đến nay của NASA.
Khí cầu GUSTO rất lớn với thể tích hơn 1,1 triệu m3. (Ảnh: NASA/Scott Battaion).
Tuy nhiên, chuyến bay vẫn chưa kết thúc. Nhiệm vụ GUSTO dự kiến kéo dài hơn 60 ngày, nhưng sau đó khí cầu có thể tiếp tục bay và phá kỷ lục sâu hơn. "Chúng tôi dự định đẩy giới hạn của khí cầu và bay lâu nhất có thể để chứng minh khả năng của loại khí cầu dài hạn", Andrew Hamilton, quyền giám đốc Văn phòng Chương trình Khí cầu của NASA tại Cơ sở Bay Wallops, cho biết.
"Khí cầu và các hệ thống trên đó đang hoạt động rất tốt, chúng tôi cũng không thấy hiệu suất của khí cầu sụt giảm. Những cơn gió ở tầng bình lưu đang rất thuận lợi, cung cấp điều kiện ổn định cho chuyến bay dài", Hamilton nói thêm.
Khí cầu rất lớn với thể tích lên tới hơn 1,1 triệu m3. Nó phụ trách mang kính thiên văn GUSTO lên độ cao 36km, tới tầng bình lưu phía trên châu Nam Cực, ngay rìa vũ trụ. Tại đây, việc thiếu hơi nước cho phép thiết bị thu được những tín hiệu terahertz cực yếu, cung cấp thông tin về môi trường liên sao, khí, bụi và bức xạ tồn tại trong vùng không gian giữa các hệ sao trong thiên hà.
Tính chất hóa học của vũ trụ thay đổi đáng kể sau vụ nổ Big Bang diễn ra khoảng 13,8 tỷ năm trước. Để hiểu về quá trình vũ trụ và dải Ngân Hà (thiên hà chứa hệ Mặt Trời) hình thành, các nhà thiên văn phải nghiên cứu môi trường liên sao trong các thiên hà ở những độ tuổi khác nhau.
GUSTO cố gắng thực hiện điều này bằng cách xem xét thành phần carbon, oxy và nitơ trong dải Ngân Hà và trong thiên hà "hàng xóm" mang tên Đám mây Magellan Lớn. Bằng cách so sánh chúng, các chuyên gia có thể tìm hiểu về những giai đoạn khác nhau trong vòng đời của sao, bao gồm cả sự ra đời và tiến hóa.
- Vì sao các khinh khí cầu đốt lửa lại bay được?
- Ngày 6/5: Thảm họa khí cầu Hindenburg và nguyên nhân bí ẩn được giải đáp sau 76 năm
- Thảm kịch "Titanic trên không" chấm dứt thời đại khinh khí cầu