Khoa học có thể đọc suy nghĩ con người bằng giấy trắng mực đen
Một dự án đang đặt tham vọng dịch suy nghĩ con người ra chữ viết.
- Điều khiển loài vật bằng ý nghĩ
- Vẽ tranh bằng ý nghĩ
Khoa học có thể đọc suy nghĩ con người
Tiến bộ công nghệ hiện tại đã giúp tái tạo lại đoạn video qua suy nghĩ con người hay dùng suy nghĩ để điều khiển một chiếc ô tô. Và mới đây nhất là nghiên cứu giúp chuyển đổi các tín hiệu não thành dạng văn bản (text).
Các tín hiệu từ não người có thể được dịch ngược lại thành văn bản.
Frontiers in Neuroscience gần đây đã tiến hành một nghiên cứu khi gắn các điện cực lên não của một số bệnh nhân và bắt đầu cho họ đọc lớn một số văn bản để ghi lại tín hiệu phát ra từ não. Sau đó, các thuật toán được lập trình trên máy tính sẽ chuyển đổi các tín hiệu thu được thành dạng chữ (text) và có độ chính xác đến 75% so với những âm thanh đọc ban đầu của những người tham gia thí nghiệm. Các nhà khoa học cũng cho biết họ không cần tỷ lệ tái tạo thành chữ chính xác 100% ngay từ đầu vì sau đó đã có các thuật toán hoạt động với cơ chế tương tự như tính năng " autocorrect" trên một số phần mềm giúp hoàn thiện phần văn bản này.
Peter Brunner, một trong những đồng tác giả của nghiên cứu cho biết:"Những trợ lí ảo như Siri hiện nay có độ chính xác không quá 70% vì nó hoạt động trên cơ chế thu nhận âm thanh và tiến hành phân tích để dự đoán các lựa chọn tiềm năng của bạn và các câu nói mà bạn hay sử dụng". Trong khi đó, nghiên cứu của nhóm lại đi theo một hướng khác, mục tiêu của họ là thu nhận các tín hiệu từ não của các bệnh nhân và tái tạo lại chúng thành văn bản. Tuy nhiên, việc này không phải là dễ dàng vì các tín hiệu thu được chỉ ở dạng "mờ", giống như việc bạn bay cao trên một sân vận động, bạn có thể thấy nhiều khán giả nhưng sẽ không hình dung được gương mặt cụ thể của bất kỳ ai trong số đó vì khoảng cách quá xa.
Công nghệ này được thử nghiệm trong điều trị cho các bệnh nhân động kinh khi họ đặt trên não người bệnh các điện cực tại nhiều vị trí để thu nhận các tín hiệu và tự đó dự đoán được những điều mà bệnh nhân muốn biểu đạt.
Tuy nhiên, do bộ não mỗi con người là duy nhất và các tín hiệu thần kinh chỉ có thể thu trực tiếp từ não của họ nên phương pháp này chỉ được áp dụng riêng biệt cho từng bệnh nhân chứ khó tạo ra được một thiết bị chuyển ngữ dùng chung cho tất cả mọi người.
Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng công nghệ này rất tiềm năng trong việc điều trị các chứng bệnh liên quan đến thần kinh như bệnh ALS gây mất khả năng di chuyển và nói chuyện. Thay vì sử dụng một thiết bị bên ngoài như Steven Hawking để chọn ra từ trên một màn hình máy tính thì giờ đây thông qua việc ghi nhận các tín hiệu não, máy tính sẽ sắp xếp và trình bày thẳng suy nghĩ của người đó.