Khoa học giải thích tại sao trẻ em vẫn tin vào Ông già Noel
Một kỳ Giáng Sinh nữa lại sắp đến, mang theo nhiều câu chuyện kể huyền bí, câu chuyện về Ông già Noel hay “Santa Claus” nổi tiếng cũng không phải ngoại lệ.
Bọn trẻ luôn được kể về một người đàn ông bất tử, sống ở vùng cực bắc, biết mọi thứ mà bọn trẻ mong muốn, ngồi trên cỗ xe trượt tuyết được kéo đi bởi những chú tuần lộc biết bay, và ông ấy “đột nhập” vào nhà thông qua ống khói, dù trên thực tế là chẳng còn mấy ngôi nhà có ống khói vào thời nay.
Các nghiên cứu cho thấy có đến 83% trẻ em 5 tuổi vẫn tin rằng “ông già Noel” có thật. Tại sao như vậy? (Ảnh: Justin Sullivan/Getty Image).
Mặc dù có nhiều điểm mâu thuẫn hay thậm chí là vô lý trong câu chuyện này, nhưng điều bất ngờ là những đứa trẻ vẫn cứ tin đây là điều có thật. Đã có những nghiên cứu cho thấy có đến 83% trẻ ở tuổi lên 5 vẫn tin vào ông già Noel. Tại sao lại như vậy?
Đó là một lợi thế để phát triển
Gốc rễ của nghịch lý này vốn nằm ở bản chất của đứa trẻ, các em vốn dễ tin tưởng vào mọi điều mà chúng được nghe thay vì một điều có lý. Tác giả Richard Dawkins, nhà nghiên cứu về tập tính và sinh học tiến hoá, trong một bài luận 1995 cho rằng trẻ nhỏ dễ tin và gần như tin vào mọi thứ, nhưng thật ra đó là một lợi thế phát triển.
Trẻ nhỏ thật ra tiếp nhận và phân tích thông tin chúng có được một cách rất hợp lý. Các em có một cách riêng nhưng tương tự với người lớn để quyết định nên tin và không tin vào điều gì. (Ảnh: Andrew Burton/Getty Images).
Dawkins mô tả một cách khá thuyết phục bằng việc lấy ví dụ về những đứa trẻ sống gần một đầm lầy có đầy cá sấu. Ông giải thích, rằng đứa trẻ nào hoài nghi và có xu hướng cân nhắc về lời khuyên “không nên bơi trong đầm lầy đó” của cha mẹ, sẽ có ít cơ hội sống sót hơn là những đứa trẻ không chút thắc mắc nào về lời căn dặn của người lớn.
Trẻ con dễ tin người không phải là một điều mới. Cũng cùng với quan điểm trên, nhà triết học và tâm lý học Thomas Reid từ thế kỷ 18 đã chia sẻ rằng, trẻ nhỏ có niềm tin mạnh mẽ và tin tưởng vào mọi thứ mà những người xung quanh nói với chúng.
Nhưng điều này không khác mấy so với người lớn
Tuy nhiên các em không chỉ nhất nhất nghe lời và tin tưởng ngay. Theo các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng, trẻ nhỏ thật ra lại đang tiếp nhận và phân tích thông tin chúng có được một cách rất hợp lý. Trên thực tế, trẻ em có một cách riêng nhưng tương tự với người lớn để quyết định nên tin và không tin vào điều gì.
Vậy người lớn dùng những cách thức nào để quyết định điều mà họ nên tin tưởng, cũng như minh chứng nào cho thấy bọn trẻ cũng giống như thế?
Một trong những cách mà người lớn học về một điều mới mẻ đó là lắng nghe từ một người khác. Bọn trẻ cũng học những kiến thức mới theo cách tương tự như thế. (Ảnh: Các quân nhân Thuỷ quân lục chiến Mỹ, chụp bởi Sgt. Aaron Hostutler).
Chúng ta sẽ tập trung vào ba điều sau:
- Đầu tiên là chú ý đến bối cảnh tiếp nhận thông tin.
- Tiếp theo là xu hướng đánh giá về thông tin mới nhận được, dựa trên kiến thức có sẵn của bản thân.
- Cuối cùng là dựa trên đánh giá của chuyên gia.
Chúng ta hãy bắt đầu với bối cảnh mà ta có được kiến thức mới.
Tưởng tượng rằng bạn đang đọc một tờ báo có đưa thông tin về một loài cá mới – hãy tạm gọi chúng là “cá xạo”, rồi hãy tiếp tục tưởng tượng bạn đọc mẩu tin đó trong các bối cảnh khác nhau. Bối cảnh đầu tiên là khi bạn đang trong phòng chờ, ngồi đợi để đến lượt vào gặp bác sĩ, bạn đọc được mẩu tin đó từ một tạp chí có tiếng trong giới khoa học.
Ở một bối cảnh khác, trong khi xếp hàng đợi trước cửa hàng tạp hoá và nghiền ngẫm một tờ báo chuyên đưa tin về buôn bán thương mại, bạn bắt gặp được mẩu tin về phát hiện mới này. Tôi chắc rằng bối cảnh xung quanh sẽ ảnh hưởng đến đánh giá của bạn về tính xác thực của loài cá mới đó.
“Chúng tôi đã làm thử nghiệm tương tự như vậy đối với bọn trẻ. Chúng tôi đã kể cho các em nghe về một loài động vật mới lạ mà chúng chưa từng được biết trước đây, như ‘cá xạo’ chẳng hạn.
Một nhóm các đứa trẻ thì được nghe tin tức trong bối cảnh đầy các yếu tố kì bí, ví dụ như tối hôm trước chúng đã nghe kể về rồng và ma quỷ sẽ bắt cóc trẻ em nếu chúng hư. Nhóm những đứa trẻ còn lại thì được biết về loài ‘cá xạo’ này trong bối cảnh giống như tiết học học ở trường, cũng như loài cá này được các nhà khoa học và bác sĩ thú y quan tâm đến".
Trẻ nhỏ lên 4 lên 5 sẽ ngay lập tức khẳng định “cá xạo” thật sự tồn tại khi chúng vừa được nghe trong bối cảnh học đường, kết quả ngược lại xảy ra với nhóm trẻ còn lại.
Tự đánh giá và nghe ý kiến từ chuyên gia
Một trong những cách căn bản mà người lớn chúng ta học về một điều gì mới, đó là lắng nghe từ một người khác. Hãy tưởng tượng rằng bạn nghe về chủng cá mới này từ lời một nhà sinh vật học biển, thay vì nghe từ người hàng xóm gần nhà bạn, người thường phao tin đồn về các sinh vật ngoài hành tinh bắt cóc con người.
Phân tích xác thực đến từ chuyên gia hay từ nguồn đáng tin cậy khiến cho bạn tự tin và mau chóng đưa ra kết luận về sự tồn tại của loài cá này.
Phụ huynh và những người xung quanh được cho là tác nhân giữ cho câu chuyện “Santa Claus” tồn tại dài lâu. Trong một nghiên cứu gần đây, có đến 84% cha mẹ dẫn con mình đến gặp ít nhất là 2 người đóng thế ông già Noel vào mùa Giáng Sinh. (Ảnh: Joe Raedle/Getty Images).
Trong một dự án nghiên cứu khác, chúng tôi giới thiệu với bọn trẻ về các loài động vật lạ thường ví dụ như các loài cá sống ngoài đại dương, từ nghe có vẻ bình thường cho tới khó tin như cá to lớn bằng cỡ chiếc xe hơi, hay thậm chí hoang đường như cá sống trên mặt trăng.
Và chúng tôi để cho bọn trẻ tự mình tìm ra sự thật, không quan trọng là chúng gặp được sinh vật đó hay hỏi một ai đó. Chúng cũng được nghe bình luận từ người trông thú ở thảo cầm viên (chuyên gia) hoặc là từ một người đầu bếp (không phải chuyên gia).
Chúng tôi phát hiện ra rằng trẻ con sẽ tin vào thứ có thật và bác bỏ thứ hoang đường. Bọn trẻ đưa ra quyết định bằng cách so sánh thông tin với với những gì đã biết.
Đối với những loài động vật khó tin (như cá lớn bằng chiếc xe hơi) – có thể tồn tại nhưng hiếm hoặc kỳ lạ, bọn trẻ sẽ chọn tin vào người giữ sở thú hơn là người đầu bếp. Nói một cách khác, trẻ em muốn nghe những lời khuyên từ chuyên gia, tương tự như người lớn chúng ta.
Lũ trẻ đang dần trưởng thành
Nếu trẻ con thật sự thông minh đến thế, tại sao chúng vẫn tin vào câu chuyện về “ông già tuyết”?
Lý do khá là đơn giản: Cha mẹ chúng cùng mọi người xung quanh đã làm mọi thứ để khiến cho bọn trẻ tin về câu chuyện ông già Noel diệu kỳ. Trong một khảo sát gần đây, gần 84% cha mẹ đưa con họ đi gặp ít nhất là 2 người đóng giả ông già Noel trong mùa Giáng Sinh để khẳng định là ông ấy có thật.
The Elf on the Shelf là cuốn truyện tranh cho lứa tuổi nhỏ kể về những con quỷ lùn, làm nhiệm vụ theo dõi và báo cho ông già Noel biết về tình hình ngoan-hư của bọn trẻ trong mùa Giáng Sinh, nay đã trở thành một thương hiệu trị giá hàng triệu USD. Không chỉ vậy, Dịch vụ Bưu chính Hoa Kỳ thậm chí còn chạy quảng bá sự kiện “Lá thư từ ông già Noel”, cung cấp dịch vụ hồi đáp riêng cho từng đứa trẻ gửi thư đến cho ông già Noel.
Tin vào ông già Noel, thực tế là bọn trẻ đang luyện tập phát triển bản thân, lập luận khoa học. (Ảnh: Andrew Burton/Getty Images).
Tại sao người lớn lại phải đưa những lời nói dối vui vẻ đi xa đến mức như thế? Lý do nào để những ông bố bà mẹ phải cố leo lên mái nhà vào đêm trước Giáng Sinh, giả làm âm thanh đi lại nặng nhọc của ông già tuyết, và rung chuông Giáng Sinh?
Câu trả lời thực ra khá đơn giản: Trẻ em không nhẹ dạ và cả tin vào tất cả những gì chúng ta nói. Vì vậy, người lớn chúng ta mới phải tạo ra thật, thật nhiều bằng chứng, từ những cái chuông trên mái nhà, ông già Noel “bằng xương bằng thịt” tại các trung tâm thương mại, hay thậm chí là đồ ăn vụn từ “ai đó” còn sót lại vào sáng hôm sau – “ắt hẳn là ông ấy đói lắm đây khi phải giao vô số quà trong đêm giá lạnh”.
Lũ trẻ đã tập phân tích ra sao?
Với sự dày công chuẩn bị kể trên, thật khó để mà bọn trẻ không tin vào ông già tuyết. Trên thực tế, tin vào ông già Giáng Sinh là cách mà trẻ con luyện tập khả năng suy luận khoa học của chúng.
Đầu tiên, bọn trẻ đánh giá nguồn thông tin. Một nghiên cứu cho thấy các em có xu hướng tin tưởng vào người lớn nhiều hơn là bạn đồng trang lứa.
Tiếp theo, bọn trẻ dùng nhiều bằng chứng (ví dụ như ly sữa hết sạch hay bánh quy ăn dở sau đêm trước Giáng Sinh) để đưa đến kết luận thực tế. Những nghiên cứu khác của tác giả cũng chỉ ra rằng trẻ em cũng dùng bằng chứng để đánh giá nhân vật hư ảo “Phù thuỷ Kẹo ngọt”, đến vào đêm lấy đi kẹo, và bỏ lại nhiều đồ chơi hấp dẫn.
Cuối cùng, nghiên cứu cũng cho thấy khi con trẻ càng tư duy sâu sắc, chúng thường nhận ra những điểm vô lý trong câu chuyện thần bí trên. Làm thế nào để một người đàn ông to mập có thể chui vừa vào cái ống khói nhỏ hẹp như thế? Hay làm sao mà tuần lộc có thể bay mà không cần cánh?
Bọn trẻ sẽ hết tin vào người lớn?
Nhiều bậc phụ huynh lo lắng cứ tiếp tục kể câu chuyện huyền bí về “Santa” có thể làm tổn hại lòng tin của bọn trẻ với cha mẹ chúng. Nhiều triết học gia cũng như blogger cũng có suy nghĩ tương tự và tranh cãi về “câu chuyện nói dối truyền thống” này, một số người thậm chí còn cho rằng về lâu dài có thể khiến cho bọn trẻ không còn nghe lời của cha mẹ nữa.
Vậy với vai trò là phụ huynh, chúng ta phải làm gì đây?
Không có bằng chứng khoa học nào về mối lo ảnh hưởng nguy hại tới trẻ em khi phát hiện ông già Noel chỉ là một nhân vật hư cấu do cha mẹ chúng dựng lên. Hơn nữa, trẻ em không chỉ có khả năng tìm ra sự thật, mà câu chuyện về ông già tuyết còn tạo điều kiện cho chúng có cơ hội được rèn giũa kỹ năng này.
Vì thế, nếu bạn nghĩ rằng việc mời một người đóng giả ông già Noel đến nhà, có thể khiến cho gia đình vui vẻ và ấm cúng hơn trong dịp Giáng Sinh, thì hãy cứ việc. Bọn trẻ sẽ ổn thôi. Và rồi, chúng có thể sẽ học được thêm vài điều mới.