Khoa học phát hiện cây cũng biết "đau" khi bị chúng ta ăn
Một nghiên cứu mới đây cho thấy loài cây có thể nhận biết được khi chúng bị ăn và không hề thích điều đó một chút nào.
Theo trang tin Business Insider, thực vật có trí thông minh ở một mức độ nhất định không phải là kiến thức quá mới. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu của các nhà khoa học tới từ Đại học Missouri (Mỹ), các loài cây còn có thể nhận biết khi chúng bị ăn và phát động một cơ chế tự vệ để ngăn cản điều đó xảy ra.
Nghiên cứu đã được tiến hành trên một loại cây thuộc họ cải có tên khoa học là Arabidopsis. Đây là loại cây có họ hàng gần với cải xanh, cải xoăn, mù tạt xanh và nhiều loại cây thuộc họ cải quen thuộc với chúng ta. Các nhà khoa học thường dùng loại cây này để tiến hành thí nghiệm vì đó là loài thực vật đầu tiên được họ giải mã gene thành công và biết khá tường tận về nó.
Các loài cây còn có thể nhận biết khi chúng bị ăn và phát động một cơ chế tự vệ để ngăn cản điều đó xảy ra.
Để trả lời cho câu hỏi liệu loài cây có "cảm giác" khi chúng bị ăn hay không, các nhà khoa học đã tiến hành ghi âm lại một cách chính xác những rung động được một con sâu bướm tạo ra khi ăn lá cây Arabidopsis. Nếu giả thuyết đúng, cây Arabidopsis sẽ có thể cảm nhận hoặc nghe được những rung động của con sâu bướm theo một cách nào đó.
Để kiểm soát thí nghiệm, các nhà khoa học cũng tạo ra các rung động mô phỏng theo các âm thanh trong thiên nhiên khác như tiếng gió thổi.
Kết quả? Các nhà khoa học đã phát hiện cây Arabidopsis sẽ sản xuất ra một loại dầu mù tạt có độc tính nhẹ khi bị ăn và chuyển đến lá cây nhằm đuổi những kẻ tấn công đi. Ngoài ra, khi nhận thấy hoặc nghe được những rung động do con sâu bướm tạo ra, số lượng dầu mù tạt được chuyển tới lá cây đã tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, đối với những loại rung động khác, cây Arabidopsis lại không hề có phản ứng gì.
"Các nghiên cứu trước đây chỉ kiểm tra cách thực vật phản ứng lại với âm thanh, bao gồm cả tiếng nhạc", Heidi Appel, nhà nghiên cứu cấp cao tại trường Đại học Missouri cho biết, "Tuy nhiên, nghiên cứu của chúng tôi là ví dụ đầu tiên cho thấy thực vật sẽ phản ứng với những rung động trong môi trường sinh thái như thế nào. Chúng tôi thấy rằng khi cảm nhận được những rung động do bị ăn, một số sự thay đổi chất sẽ diễn ra bên trong tế bào thực vật và giúp chúng tạo ra cơ chế phòng vệ hóa học để đẩy lùi các cuộc tấn công từ sâu bướm".