Khoảnh khắc tuyệt đẹp: Trạm ISS và Thiên Hà 1 cùng xuất hiện

Một nhà thiên văn học ở Rome chụp bức ảnh cả Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) và Thiên Hà 1 bay qua cùng khoảng trời.

Theo NASA, cứ 90 phút trạm ISS lại bay một vòng quanh Trái đất và đây là vật thể lớn thứ ba trên bầu trời, có thể quan sát bằng mắt thường nhờ ánh sáng Mặt trời phản chiếu. Nhưng ISS không phải trạm vũ trụ có người ở duy nhất trên bầu trời. Hồi tháng 4, Trung Quốc phóng thành công module trung tâm của trạm vũ trụ Thiên Hà 1 và đưa nó vào quỹ đạo quanh Trái đất. Đó chỉ là một bộ phận của trạm, nhưng module trung tâm vẫn dài tới 16,5 m và nặng gần 22.679 kg, có nghĩa nó có thể quan sát được từ mặt đất, dù không sáng như trạm ISS.


Trạm ISS và Thiên Hà 1 trong cùng khung hình. (Ảnh: Gianluca Masi).

Trạm ISS với chiều dài 108,5 m tính cả bộ pin Mặt trời, bao gồm nhiều module khác nhau và cần tổng cộng 42 chuyến bay để vận chuyển hết. Khối lượng của trạm lên tới 419.724 kg. Nhà thiên văn học Gianluca Masi, nhà sáng lập Dự án kính viễn vọng ảo ở Italy, chụp hình hai trạm vũ trụ bay ngang qua nhau trên bầu trời hôm 20/5.

Masi giải thích ông tìm cách chụp cả hai trạm cùng lúc và phát hiện cơ hội đó sau khi Mặt trời lặn. Masi chú thích đường bay của trạm ISS và Thiên Hà 1 khi chúng bay ngang qua bầu trời tương đối sáng, cùng với những chòm sao và nhiều thiên thể khác như sao Hỏa và Mặt Trăng. Trạm ISS bay đến từ chân trời phía tây. Masi cho biết trạm Thiên Hà 1 xuất hiện sau đó một phút. Bức ảnh được chụp ở Rome, Italy.

Trung Quốc đang trong quá trình trang bị máy móc cho module trung tâm của trạm Thiên Hà 1 trước khi đưa các phi hành gia lên trạm, sớm nhất vào tháng 6 năm nay. Nhiệm vụ phóng vật tư mang tên Thiên Châu 2 bị hoãn hai lần trong tuần này. Theo dự kiến, các phi hành gia sẽ bay lên khoang trung tâm của trạm Thiên Hà 1 vào ngày 10/6 trong nhiệm vụ Thần Châu 12.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất