Khói bụi cháy rừng là sát thủ với nhân loại

Một nhà khoa học Australia dự đoán rằng biến đổi khí hậu sẽ khiến rừng trên thế giới cháy ngày càng nhiều thêm và gây hại ghê gớm cho sức khỏe cũng như tiền bạc của con người.

>>> Máy chữa cháy rừng bằng sức gió

Fay Johnston, một nhà nghiên cứu của Đại học Tasmania, cùng các đồng nghiệp thống kê số người chết vì cháy rừng trên phạm vi toàn cầu. Nhóm nghiên cứu thu thập số người chết vì cháy rừng trong khoảng thời gian từ năm 1997 tới năm 2006. Họ cũng sử dụng dữ liệu vệ tinh và những mô hình phát tán của hóa chất để đánh giá những tác động của hạt siêu nhỏ có đường kính nhỏ hơn 2,5 micromet thoát ra từ các đám cháy đối với sức khỏe người. Những hạt có đường kính dưới 2,5 micromet là sản phẩm phụ chủ yếu của những trận cháy rừng.

Johnston nhận thấy khu vực phụ cận sa mạc Sahara ở châu Phi là nơi mà cháy rừng giết nhiều người nhất (trung bình 157.000 sinh mạng mỗi năm). Đông Nam Á xếp thứ hai với số người thiệt mạng là 110.000.


Khói bụi cháy rừng là sát thủ với nhân loại

Kết quả nghiên cứu cho thấy khói, bụi từ các vụ cháy là một trong những “sát thủ” ghê gớm đối với nhân loại, nhóm nghiên cứu tuyên bố.

“Số người chết có thể giảm nếu con người ngừng đốt rừng nhiệt đới để biến chúng thành đồn điền cọ và các loại cây khác”, Johnston nhận định.

Nhưng trong tương lai các trận cháy rừng sẽ ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn. Đó là dự đoán của Mike Flannigan, một giáo sư của Đại học Alberta. Flannigan từng sử dụng mô hình để tìm hiểu mức độ nghiêm trọng của các vụ cháy rừng trong khoảng thời gian từ năm 2081 tới 2090.

Mô hình cho thấy số nguy cơ cháy rừng tăng gấp hai hoặc ba lần ở khắp nơi trên hành tinh, đặc biệt là bán cầu bắc.

“Điều đó có nghĩa là số vụ cháy rừng sẽ tăng lên vào cuối thế kỷ này do trái đất ấm lên”, Flannigan nói.

Mỗi năm khoảng 350 tới 450 triệu hecta rừng bốc cháy mỗi năm. Nếu tập hợp tất cả đám cháy rừng mỗi năm trên thế giới vào một khu vực, nó sẽ có diện tích xấp xỉ Ấn Độ. Hàng năm nhân loại phải chi nhiều tỷ USD để dập và khắc phục thiệt hại cháy rừng.

“Nguy cơ thiệt hại về người và cơ sở hạ tầng do cháy rừng gây nên chỉ tăng lên trong tương lai, chứ không giảm, do khí hậu ngày càng ấm hơn”, Flannigan bình luận.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất