Khói thuốc lá chứa hóa chất để ướp xác
Khói thuốc lá chứa hàm lượng formaldehyde rất cao, là loại hóa chất thường dùng để ướp xác.
Thạc sĩ Nguyễn Tuấn Lâm, Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cho biết thuốc lá không gây đói thuốc như heroin nhưng lại tạo cảm giác nhớ dai dẳng. Trong khói thuốc lá chứa hơn 7.000 hóa chất, trong đó có 69 chất gây ung thư. Các chất thường thấy trong khói thuốc như chì, benzene, đặc biệt là formaldehyde hay formol (chất dùng để ướp xác). Những chất này khi đi vào cơ thể sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thần kinh, mạch máu và nội tiết gây ra những bệnh tim mạch, giảm trí nhớ và các bệnh ung thư.
Theo thạc sĩ Lâm cơ quan chức năng từng phát hiện chất ướp xác này có trong bún, bánh phở... Hàm lượng chất này trong khói thuốc lá cũng rất cao, hít vào gây hại không khác gì khi ăn.
Khói thuốc lá chứa aceton là chất tẩy trong thuốc sơn móng tay, amoniac là chất tẩy rửa sàn nhà và bồn vệ sinh, DDT/Dieldrin là thuốc trừ sâu...
Nghiên cứu cho thấy ở nồng độ trên 0,1mg/kg không khí, hít thở phải formaldehyde gây kích thích mắt và màng nhầy, chảy nước mắt, đau đầu, gây cảm giác nóng trong cổ họng và khó thở. Phơi nhiễm với nhiều formaldehyde hơn làm tăng hoạt động của tim, thở nhanh và nông, giảm thân nhiệt, hôn mê, có thể dẫn đến ung thư và tử vong.
Hút thuốc lá gây ra hơn 25 loại bệnh, chủ yếu thuộc 4 nhóm chính. Trong đó có 12 loại bệnh ung thư, nguy hiểm nhất la fung thư phổi. 75% ca ung thư phổi là do hút thuốc lá. Nó cũng dẫn đến tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính... Ở nam giới thuốc lá làm giảm chất lượng tinh trùng, dẫn đến bất lực...
Khói thuốc thụ động chứa hàng nghìn hóa chất, trong đó ít nhất là 250 chất gây ung thư hay chất độc hại. Hút thuốc thụ động là hít phải khói thuốc từ đầu điếu thuốc đang cháy hoặc khói thuốc do người hút thuốc phả ra.
Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới, khói tỏa ra từ đầu điếu thuốc đang cháy chứa chất độc nhiều gấp 21 lần so với khói thuốc thở ra. Lượng khói thuốc người hút thuốc thải ra không khí xung quanh cao gấp 5 lần lượng khói hít vào. Người không hút thuốc nhưng làm việc thường xuyên trong môi trường có khói thuốc có thể hít vào lượng khói thuốc tương đương với hút 5 điều thuốc một ngày. Trẻ em chỉ cần một giờ trong phòng có người hút thuốc cũng đã hấp thụ số hóa chất độc hại tương đương với người hút 10 điếu thuốc một ngày.
Khói thuốc gây ảnh hưởng trong phạm vi 7-10m. Do đó ngay cả khi ở rất xa người hút thuốc thì người hút thụ động vẫn gặp những nguy cơ về sức khỏe không kém những người đang hút thuốc.
Trên thế giới, mỗi năm thuốc lá gây ra trên 7 triệu ca tử vong, ước đạt 8 triệu vào năm 2020, trong đó 70% sẽ xảy ra ở các nước đang phát triển. Tại Việt Nam, mỗi năm có trên 40.000 ca tử vong vì các bệnh do thuốc lá gây ra. Con số này dự báo tăng 70.000 ca vào năm 2030 nếu Việt Nam không thực hiện ngay các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá hiệu quả.
“Nhiều gia đình có người thân mắc bệnh ung thư, tim mạch thường chấp nhận nó như điều hiển nhiên, song thực tế những bệnh này hoàn toàn có thể tránh được. Có đến 1/4 các ca bệnh không lây nhiễm do khói thuốc gây ra”, thạc sĩ Lâm nhấn mạnh.