Khủng long ăn lá tự vệ bằng cách lớn nhanh
Không có lớp vỏ cứng như sắt bảo vệ cơ thể, những loài khủng long ăn thực vật buộc phải tăng kích cỡ cơ thể để tồn tại. Ở tuổi trưởng thành, chúng lớn nhanh hơn những loài khủng long ăn thịt ít nhất ba lần.
Ở năm thứ 10 trong cuộc đời, chiều dài cơ thể của Hypacrosaurus stebingeri – một loài khủng long ăn thực vật – đạt tới 9 m tính từ mũi tới chỏm đuôi. Trong khi đó, chiều dài cơ thể của loài khủng long ăn thịt bạo chúa Tyrannosaurus rex vẫn tương đối khiêm tốn khi chúng bước vào độ tuổi tương tự. Cơ thể chúng chỉ đạt tới chiều dài đó khi ở trong độ tuổi từ 20 tới 30 năm.
Theo các nhà khoa học tại Đại học Kent State (Mỹ), sự khác biệt về kích cỡ buộc những kẻ săn mồi phải tấn công những con Hypacrosaurus stebingeri chưa đến tuổi trưởng thành.
Lisa Noelle Cooper, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Kent State, cho biết: “Khi một con Hypacrosaurus stebingeri tới tuổi trưởng thành, tôi nghĩ nó sẽ không phải sợ những kẻ ăn thịt. Nhưng khi cơ thể loài Tyrannosaurus rex đạt tới kích thước tối đa (khoảng 12 m), điều đó không còn đúng nữa”.
Cooper và cộng sự của bà so sánh dữ liệu về quá trình phát triển của loài Hypacrosaurus stebingeri với ba loài khủng long săn mồi. Tất cả đều sống trong giai đoạn Kỷ phấn trắng muộn – cách đây từ 65 tới 100 triệu năm.
Đối với loài Hypacrosaurus stebingeri, nhóm của Cooper phân tích những xương chân và đếm những vòng phát triển của chúng (mỗi vòng tương đương một năm trong cuộc đời). Con khủng long mà Cooper nghiên cứu ở độ tuổi 13 khi nó chết.
“Con Hypacrosaurus stebingeri lớn nhanh gấp từ ba tới năm lần so với những con khủng long ăn thịt cùng độ tuổi với nó. Khi con vật ăn lá phát triển đầy đủ thì cơ thể của loài Tyrannosaurus rex mới đạt tới một nửa kích thước cực đại. Đó là một sự khác biệt lớn về kích cỡ”.
Loài Hypacrosaurus cũng bước vào tuổi động dục sớm hơn, ở năm thứ hai hoặc thứ ba trong cuộc đời, các nhà nghiên cứu cho biết.
“Đó là một điểm có lợi trong cuộc chiến sinh tồn với những loài ăn thịt. Nếu những con khủng long ăn thực vật bị giết, loài Hypacrosaurus vẫn không rơi vào tình trạng tuyệt chủng, bởi những con cái sẽ kịp sinh ra những đứa con khác”.