Khủng long bốn cánh có họ hàng với loài chim?
Những gì còn lại của loài khủng long “bốn cánh” có tên gọi Anchiornis huxleyi củng cố quan điểm cho rằng tổ tiên của loài chim là khủng long hai chân sống vào thời kì hàng triệu năm trước – nhà săn lùng hoá thạch nổi tiếng nhất thế giới cho biết.
Xing Xu đến từ Viện hàn lâm khoa học Trung Quốc tại Bắc Kinh khẳng định chắc chắn quan điểm của mình dựa vào hoá thạch được bảo quản rất tốt của một con khủng long trông rất giống chim có tên là Anchiornis huxleyi.
Cho đến nay, A. huxleyi vẫn được coi là một loài chim nguyên thuỷ. Người ta cho rằng nó có niên đại rất gần với Archaeopteryx, loài chim đầu tiên sống vào khoảng 150 triệu năm trước.
Tuy vậy, những ý kiến đó dựa vào một mẫu hoá thạch không hoàn chỉnh.
Mẫu vật mới và gần như nguyên vẹn lần này đem đến một cái nhìn khác, gợi ý rằng A. huxleyi có niên đại trước Archaeopteryx hàng triệu năm, đồng thời hai loài này đều có đặc điểm của cả khủng long và sinh vật bay lượn.
Xu cho rằng đây là bằng chứng giới khoa học tìm kiếm từ lâu để chứng minh rằng chim có tổ tiên là khủng long theropod.
Trên tạp chí Nature của Anh, nhóm nghiên cứu của ông cho công bố công trình của mình, trong đó miêu tả một con khủng long với lông dài che cánh, đuôi và chân.
Dựa vào đó, Xu cho rằng nó là động vật “bốn cánh” mặc dù không có gì đảm bảo rằng sinh vật đó có khả năng bay được. Ngược lại, chân sau dài và thon gợi ý rằng nó có thể chạy khá tốt.
Một vài nhà sinh vật học tiến hoá cho rằng “bốn cánh” đóng vai trò quan trọng trong nguồn gốc của việc bay lượn. Tuy nhiên, quan điểm này bị nhiều người phản đối .
Bộ lông kèm theo đặc biệt quan trọng bởi nó chỉ ra việc loài khủng long giống chim đó phát triển xương và các đặc điểm khác như thế nào để cho phép chúng có lông.
Giới khoa học đã tranh cãi rất lâu về dòng tiến hoá của loài chim.
Một vài nhà khoa học nói rằng loài khủng long giống chim xuất hiện trong bảng danh mục hoá thạch quá muộn. Vì thế, chúng không thể là tổ tiên của loài chim. Tranh luận này được biết đến với tên “nghịch lý thời gian”.
Tranh cãi này vẫn rất gay gắt suốt nhiều năm chủ yếu là bởi bằng chứng hoá thạch tìm được quá ít ỏi và không nguyên vẹn.
Bằng chứng mới này có được tại Daxishan thuộc địa phận Jianchang, đông bắc Trung Quốc.
Hoá thạch được tìm thấy trong đá, có niên đại vào cuối kỉ Jura, khoảng từ 151 tới 161 triệu năm trước. Điều đó có nghĩa là nó lâu đời hơn Archaeopteryx rất nhiều.
Nghiên cứu đưa ra quan điểm, A. huxleyi nên được coi như khủng long hơn là chim. Nó là một thành viên của Troodontidae, một nhánh khủng long có liên quan mật thiết với sinh vật bay lượn.