Khủng long có nọc độc
Ngày 21-12, các nhà khảo cổ học công bố phát hiện hóa thạch của một loài khủng long ăn thịt mới ở phía bắc Trung Quốc, nó có lông phủ kín và dùng nọc độc của răng nanh làm tê liệt con mồi giống như loài rắn ngày nay.
Được đặt tên là Sinornithosaurus, có nghĩa là “thằn lằn chim Trung Quốc” (Chinese bird lizard), loài khủng long này có kích cỡ bằng một con gà tây, từng sống trong những khu rừng vào thời kỳ cuối kỷ Crêta, cách đây 99,6 - 66,5 triệu năm.
Phân tích từ hộp sọ và bộ răng của loài khủng long Sinornithosaurus cho thấy các tuyến chất độc được tích trữ ở mỗi bên xương hàm và nọc độc sẽ được giải phóng vào vết thương con mồi qua đường rãnh trên bề mặt ngoài của răng nanh.
“Nọc độc có thể không đủ mạnh để giết chết con mồi ngay nhưng sẽ gây sốc và làm tê liệt hệ thần kinh con mồi, cơ hội sống sót của con mồi rất thấp”, nhà địa chất học Enpu Gong công tác tại ĐH Đông Bắc, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc nói.
Các chi tiết khác về giải phẫu hóa thạch, được công bố trên tạp chí Khoa học Học viện Quốc gia (Mỹ), cho biết con mồi chính ưa thích của khủng long Sinornithosaurus là các loài chim nguyên thủy và khủng long nhỏ.
Enpu Gong viết: “Chúng tôi tin khủng long Sinornithosaurus là một động vật ăn thịt có chất độc, săn các loài chim bằng cách dùng chiếc răng nanh dài cắn phập vào lớp lông và da con mồi, các độc tố sẽ gây sốc và chinh phục nhanh chóng nạn nhân”.