Khủng long sơ sinh có kích cỡ chỉ bằng 1/3 con người nhưng có tốc độ lớn cực kỳ nhanh
Bạn có tin rằng chỉ sau vài tháng mà 1 đứa trẻ sơ sinh có thể phát triển thành một thanh niên và sau đó tự sinh sống độc lập?
Chắc chắn con người không thể làm được nhưng đây lại chính là cách sinh trưởng của Rapetosaurus, một loài khủng long sống vào cuối kỷ phấn trắng. Phát hiện này không chỉ cung cấp thêm hiểu biết về những bí ẩn của loài khủng long mà còn có vai trò quan trọng đối với ngành khảo cổ, thay đổi hoàn toàn góc nhìn của các nhà khảo cổ học đối với các mẫu hóa thạch phát hiện trong tương lai.
So sánh kích thước khủng long sơ sinh, trưởng thành và con người.
Với chiều cao hơn 15 mét, sở hữu một chiếc cổ cực dài và đôi chân giống như loài voi, Rapetosaurus là loài khủng long cỡ lớn, nhưng nếu so với những loài khác thuộc chi Titanosaurs thì nó có kích cỡ nhỏ hơn. Titanosaurs là chi khủng long lớn nhất từng sống và cũng là nhánh khủng long chân thằn lằn Sauropods cuối cùng còn tồn tại vào cuối kỷ Phấn Trắng, khoảng 65 - 70 triệu năm trước đây, tại thời điểm ngay trước khi loài khủng long tuyệt chủng.
Ảnh minh họa kích cỡ của con Rapetosaurus sơ sinh và con người.
Sauropods có chiếc cổ dài, đuôi dài, thuộc nhóm khủng long ăn thực vật và được biết tới như một loài có tốc độ sinh trưởng cực kỳ nhanh từ khi sơ sinh cho tới trưởng thành. Tuy nhiên các nhà khoa học cần một bộ xương của một con Sauropods sơ sinh để có thể hiểu rõ hơn về quá trình "lớn nhanh như thổi" của chúng. Nghiên cứu được tiến hành bởi các nhà khoa học tại Đại học Macalester dẫn đầu bởi giáo sư Kristina Curry Rogers, người vào năm 1996 đã lần đầu tiên phát hiện bộ xương của một con Rapetosaurus trưởng thành. Và sau đó, Rogers đã tiếp tục phát hiện ra một bộ xương Rapetosaurus sơ sinh nằm trong khu vực giàu hóa thạch ở vùng tây bắc Madagascar.
Các hóa thạch xương khủng long tìm được.
Nhóm nghiên cứu đã sử dụng đồng thời 2 kỹ thuật trong quá trình phân tích bộ xương của con khủng long sơ sinh, bao gồm: phân tích mô xương (nói cách khác là quan sát các tế bào xương dưới mức độ kính hiển vi) và kỹ thuật chụp cắt lớp tia X (về cơ bản là đưa mẫu xương qua máy quét CT). Kết quả cho thấy loài Rapetosaurus có cân nặng vào khoảng 2,5 cho tới 4,3kg khi mới sinh ra. Nhưng chỉ vài tháng sau đó, khi con khủng long mà nhóm phát hiện bị bỏ đói cho tới chết, nó đã nặng khoảng 40kg.
Con Rapetosaurus được phát hiện có kích thước chỉ bằng 1 nửa so với voi châu Phi sơ sinh. Trong khi một con Rapetosaurus trưởng thành có thể to gấp 3 lần so với con voi châu Phi trưởng thành.
Theo Stephen Brusatte, một chuyên gia khảo cổ học tại Đại học Edinburgh, người không tham gia vào nghiên cứu lần này đã bình luận rằng: "Sự tiến hóa của tốc độ sinh trưởng cực nhanh ở loài khủng long khổng lồ nói trên là một trong những thành tựu vĩ đại nhất trong lịch sử tiến hóa". Đồng thời, không chỉ khủng long có tốc độ sinh trưởng nhanh mà các nhà nghiên cứu còn tin rằng chúng không cần quá nhiều sự trợ giúp từ bố mẹ để tự lập. Dù lớn nhanh nhưng hình dạng và tỷ lệ các chi của chúng vẫn được duy trì. Họ cho biết rằng: "Về cơ bản những chiếc xương của khủng long con trông giống như là một phiên bản thu nhỏ của những cá thể trưởng thành".
Mặc khác, trọng lượng xương của những con Rapetosaurus cũng cho thấy dấu hiệu của sự tái tổ chức xương - một quá trình diễn ra trong thời gian dài, khi cấc mô xương cũ được tái hấp thụ lại từ bộ xương và thay thế bởi những mô mới. Rogers cho rằng đa phần động vật không bắt đầu quá trình tái tổ chức xương cho tới khi chúng có khả năng di chuyển hoàn toàn độc lập. Cuối cùng, các nhà nghiên cứu đã kiểm tra và so sánh sụn của con khủng long so với những loài động vật hiện đại khác. Theo đó, những loài động vật hiện đại đòi hỏi nhiều sự chăm sóc của bố mẹ thì đều hình thành sụn dày và không đều, trong khi sụn của Rapetosaurus thì mỏng giống như những loại chim hiện đại không nuôi con nhỏ.
Ảnh minh họa tốc độ phát triển của xương khủng long Rapetosaurus và kích thước của chúng so với con người.
Theo giáo sư giải phẫu học và chuyên gia khảo cổ các loài có xương sống tại Đại học bang Florida thì kết luận về quá trình sinh trưởng của khủng long Rapetosaurus trong nghiên cứu lần này là khá vững chắc. Ông đã rất ấn tượng với cách tiếp cận dùng xương khủng long con và trưởng thành để so sánh với nhau, trong mối quan hệ với các loài sinh vật hiện đại. Đồng thời, ông cho rằng những con Rapeotosaurus có thể sẽ độc lập từ khi mới sinh và những "cha mẹ khổng lồ" của chúng cũng không dành thời gian chăm sóc chúng.
Mặc dù phạm vi của nghiên cứu này chỉ xoay quanh một loài Rapeotosaurus nhưng nó đã cung cấp một góc nhìn thú vị về cuộc sống của loài khủng long vốn chứa đựng nhiều điều mà con người chưa biết hết. Mặt khác, nó còn tạo tiền đề cho những nghiên cứu khác về khảo cổ học trong tương lai.