Kích thích sóng não giúp hạn chế tội phạm?

Các nhà khoa học vừa gợi ý một phương pháp gây sốc nhằm hạn chế tội phạm trong tương lai: kích thích sóng não.

GS Olivia Choy, nhà tâm lý học thuộc ĐH Kỹ thuật Nayang, Singapore cho biết trước đây các nhà thần kinh học đã biết được sự suy giảm hoạt động của vỏ não trước trán liên quan đến những hành vi phản xã hội nhưng vẫn chưa rõ có phải hoạt động yếu kém của vùng này có liên quan đến các hoạt động bạo lực hay không.


Từ lâu, nhiều nhà khoa học tin rằng vùng vỏ não trước trán có liên quan đến nhận thức của con người về những việc thiện ác - (Ảnh: GETTY IMAGES).

"Chúng tôi muốn tìm ra phải chăng có mối liên hệ đó không", GS Olivia Choy nói trên trang The Guardian.

GS Olivia Choy cùng Adrian Raine và Roy Hamilton ở trường ĐH Pennsylvania, Mỹ tuyển mộ 86 tình nguyện viên rồi lần lượt tiến hành kích thích não một nửa số người trong nhóm trong vòng 20 phút bằng dòng điện có cường độ 2mmA.

Sau đó, nhóm nghiên cứu cho các tất cả tình nguyện viên xem 2 cảnh phim: một cảnh đánh nhau bằng chai lọ rất dữ dội, một cảnh cưỡng hiếp vào ban đêm. Khi xem xong, các tình nguyện viên được yêu cầu đánh giá mức độ yêu thích nếu họ trở thành vai chính của bộ phim.

Kết quả, những người xử lý sóng não giảm 47% sự thích thú cảnh phim đầu tiên và giảm đến 70% sự yêu thích cảnh phim thứ 2. Những con số này thấp hơn nhiều so với những người không kích thích sóng não.

Nghiên cứu được đăng trên trang Journal of Neuroscience. GS Olivia Choy cho biết từ kết quả trên, ta có thể thấy kích thích não đã tác động ít nhiều đến việc làm giảm ý thích của một người đến những thứ bạo lực.


Phát hiện này phải chăng là một bước tiến cho xã hội tương lai? - (Ảnh: GETTY IMAGES).

Tuy nhiên, Caroline Di Bernardi Luft, nhà tâm lý học ở ĐH London, Anh cho rằng vì nhóm nghiên cứu chưa thực hiện trên chính các phạm nhân nên khó chứng minh rằng kích thích não có thể làm giảm tội ác trong đời sống thực hay không.

Nhóm nghiên cứu cũng cho biết cần nhiều nghiên cứu hơn để xác định chính xác kích thích như thế nào, với cường độ bao nhiêu là vừa đủ để tác động đến nhận thức của con người về thiện ác.

Nếu thật sự hiệu quả, Adrian Raine tin rằng các quốc gia có thể sử dụng phương pháp trên để hạn chế tội phạm trong tương lai. Cách thức hiện đại này sẽ tốt hơn nhiều so với những biện pháp truyền thống như tuyên truyền hay giáo huấn…

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất