Kiến "ác quỷ" kiểm soát rừng Amazon
Các nhà nghiên cứu đã tìm ra lời giải cho hiện tượng những "khu vườn ác quỷ" ở rừng rậm Amazon quanh năm chỉ có một loài cây duy nhất. Chính những con kiến sống ký sinh trên đó đã giết chết tất cả các loài thực vật khác trừ cây chủ.
Loài kiến "ác quỷ" thống trị những loài cây trong khu rừng rậm Amazon
Người dân địa phương Peru gọi đó là những "khu vườn của ác quỷ" bởi nó chỉ tồn tại duy nhất một loài cây Duroia hirsuta. Đó là một hiện tượng đặc biệt trong khu rừng Amazon vốn rất đa dạng, khiến người dân địa phương nghĩ đến một thế lực siêu nhiên nào đó. Nhưng các nhà nghiên cứu đã tìm thấy chính là kiến, chứ không phải ác quỷ, gây ra tình trạng này.
Loài kiến Myrmelachista schumanni sống trong các hốc cây để tránh kẻ thù và sự biến đổi thời tiết. Chúng giết tất cả các loài thực vật, trừ cây chủ của mình, bằng cách tiêm axit fomic vào lá cây. Bằng cách đó, chúng giúp cây chủ của mình phát tán. Những khu vườn như vậy có hơn 300 cây thọ hàng trăm tuổi và hàng triệu con kiến.
"Thật ngạc nhiên là kiến có thể kiểm soát cả môi trường sống của chúng. Chúng tạo ra một lãnh thổ gồm một loài cây duy nhất tại một nơi được cho là đa dạng phong phú nhất toàn cầu", Deborah Gordon tại Đại học Stanford, Mỹ, nói.
Một số nghiên cứu trước đã cho rằng kiến hoặc bản thân những cây này đã tàn sát các loài thực vật xung quanh, nhưng không ai lý giải được vì sao. Nay Megan Frederickson và cộng sự tại Đại học Stanford đã tìm ra rằng kiến làm điều đó bằng cách tiêm vào một liều thuốc độc tự nhiên.
Các nhà nghiên cứu đã trồng những cây tuyết tùng phổ biến ở Amazon vào khu rừng của loài kiến. Khi họ đuổi hết các con kiến đi, loài cây này phát triển. Nhưng khi đàn kiến tới gần, các cây tuyết tùng rụng lá sau khoảng 5 ngày.
Có thể các con kiến đã cắn một lỗ trên lá và để lại giọt axit fomic từ trong bụng mình. Hệ thống mạch trong cây đưa axit đi khắp nơi. Và chỉ sau vài giờ tấn công, những vùng loang sẫm xuất hiện trên gân lá.
Axit fomic rất phổ biến ở các loài kiến: Khoảng 1/4 trong số 15.000 con sản xuất ra chất này. Rất nhiều kiến sử dụng axit fomic để tự vệ. Nhưng đây là lần đầu tiên kiến sử dụng nó như một loại thuốc diệt cỏ.