Kiến thích cuộc sống thành thị
Nhờ những điều kiện sống thuận lợi, những tổ kiến dừa trong thành phố chứa tới vài triệu cá thể và hàng chục nghìn con chúa.
“Những con kiến dừa tìm ra nhiều cách để tận dụng những ưu thế của cuộc sống thành thị”, National Geographic trích thông báo của Đại học Purdue, Mỹ.
National Geographic cho biết, giáo sư Grzegorz Buczkowski, một nhà nghiên cứu về sâu bọ của Đại học Purdue, cùng các cộng sự tìm hiểu những tổ kiến dừa (Tapinoma sessile) tại ba địa điểm xung quanh khuôn viên trường. Ông phát hiện ra rằng các tổ kiến dừa ở thành phố ngày càng to và phức tạp hơn nhiều so với tổ ở trong rừng.
Chúng được gọi là kiến dừa vì cơ thể chúng tỏa mùi nước dừa khi bị bóp. Đây là một trong những loài kiến mà con người hay gặp trong nhà. Số lượng kiến dừa trong mỗi tổ trong rừng dao động từ 100 tới 10.000 con. Thậm chí nhiều tổ chỉ có trung bình 50 con, trong đó có một con chúa.
"Nhưng khi tới khu vực đô thị, chúng xây dựng những siêu tổ với số lượng lên tới hơn 6 triệu kiến thợ và 50.000 kiến chúa”, Buczkowski nói.
Ở những khu vực bán hoang dã – nghĩa là có cả rừng và nhà cửa – Buczkowski tìm thấy những tổ kiến có khoảng 500 kiến thợ và một kiến chúa.
“Rất có thể khi kiến tới gần khu vực đô thị chúng gặp những điều kiện thuận lợi hơn trong việc kiếm thức ăn, chỗ trú ẩn và những tài nguyên khác. Trong rừng chúng phải cạnh tranh với những loài khác để kiếm thức ăn và vị trí làm tổ. Nhưng trong các thành phố chúng chẳng phải cạnh tranh nữa. Con người cho chúng nơi ở và thức ăn”, vị giáo sư nhận xét.
Buczkowski cho rằng nếu kiến dừa có khả năng xây những siêu tổ trong thành phố, những loài kiến khác cũng có thể làm điều tương tự. Tuy nhiên, ông không tìm thấy bất kỳ bằng chứng nào cho thấy những loài kiến khác có khả năng thích nghi với môi trường mới và tạo thành những đàn siêu lớn như kiến dừa.
Vị giáo sư cho rằng hiểu biết của con người về siêu tổ của kiến dừa ở đô thị có thể giúp chúng ta khống chế những loài côn trùng có hại trong nhà, đồng thời đảm bảo rằng chúng không tiêu diệt những loài côn trùng có ích.